Giá thép thế giới tiếp tục tăng
Giá thép ngày 8/12 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 52 nhân dân tệ lên mốc 3.926 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Giá quặng sắt tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp, duy trì trên ngưỡng 900 CNY (137,63 USD)/tấn, bất chấp Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên cảnh báo việc nghiêm cấp mọi giao dịch bất hợp pháp.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 – được giao dịch nhiều nhất lúc này– trên sàn Đại Liên đã tăng 1,6% trong phiên vừa qua, đạt 968 CNY (148,02 USD)/tấn.
Công ty Nippon Steel Corp 5401.T đang có kế hoạch nâng công suất sản lượng tại các thị trường nước ngoài như Ấn Độ và Mỹ, đồng thời giảm công suất tại Nhật Bản để phù hợp với mức nhu cầu trong tương lai, theo Reuters.
Năm ngoái, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản này và ArcelorMittal MT.LU, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã cùng mua lại công ty thép Essar Steel đã phá sản của Ấn Độ, có công suất hàng năm đến 9,6 triệu tấn.
Hai công ty đang có kế hoạch nâng công suất của liên doanh mới, ArcelorMittal Nippon Steel India, lên 12-15 triệu tấn theo kế hoạch và thậm chí cao hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là tại nhà máy sản xuất thép viên ở bờ biển phía Đông.
Bên cạnh đó, Nippon Steel cũng đang xem xét xây dựng một lò điện mới tại liên doanh với ArcelorMittal ở Calvert, Alabama, Mỹ. Ông Miyamoto cho biết: “Chúng tôi có thể xây dựng một lò nung với công suất 1,5 triệu tấn hàng năm. Khi có nguồn sắt riêng thì thời gian sản xuất sẽ được rút ngắn và lượng hàng tồn kho sẽ ít hơn”.
Ông Miyamoto nhận định, nhu cầu từ các nhà sản xuất ô tô đang tăng nhanh hơn so với dự đoán vào một tháng trước. Ông kì vọng nhu cầu thép trong nước và sản lượng thép trong năm tài chính tiếp theo (bắt đầu từ tháng 4) sẽ đạt mức giữa năm tài chính 2019-2020”.
Xuất khẩu sắt thép 10 tháng tăng gấp rưỡi, dự báo tăng tiếp
Khối lượng xuất khẩu sắt thép của cả nước từ đầu năm đến nay tăng gần 50%, trong khi trị giá tăng 1/5. Xuất khẩu thép trong thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục khả quan.
Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt trên 1 triệu tấn, kim ngạch 539,26 triệu USD. So với tháng liền trước, khối lượng xuất khẩu giảm 3,4%, trong khi kim ngạch chỉ giảm nhẹ 0,9%, nhờ giá xuất khẩu tăng 2,6% đạt trung bình 536,7 USD/tấn.
Giai đoạn tháng 1-10/2020, xuất khẩu sắt thép đạt gần 8 triệu tấn, kim ngạch trên 4,19 tỷ USD, tăng lần lượt 48,9% và 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ mức tăng kim ngạch chỉ bằng nửa mức tăng khối lượng là do đơn giá trung bình năm nay giảm 19,2%, chỉ đạt 524 USD/tấn.
Xuất khẩu trong tháng 10 giảm chủ yếu do xuất sang các thị trường Campuchia, và Mỹ giảm mạnh. Theo đó, xuất khẩu sang Campuchia giảm trên 24% cả về lượng và kim ngạch, ở mức 101.954 tấn, tương đương 55,68 triệu USD, còn sang Mỹ giảm 51,7% về lượng và giảm 41,7% về kim ngạch, đạt 7.916 tấn, trị giá 8,8 triệu USD. Mặc dù vậy, xuất khẩu trong tháng này sang Indonesia, Đài Loan và Malaysia tăng mạnh, với kim ngạch tăng lần lượt 50,9%, 55,7% và 23,7%.
10 tháng qua, Trung Quốc duy trì vị trí thị trường xuất khẩu thép số 1 của Việt Nam, với 2,93 triệu tấn (1,21 tỷ USD), tăng vọt 1.461,8% về lượng và tăng 1.270% về kim ngạch so với cùng kỳ, bất chấp đơn giá trung bình giảm 12,3%. Xuất khẩu sang Thái Lan – thị trường tiêu thụ số 3 của thép Việt Nam cũng tăng mạnh, thêm 94,2% về lượng và 78,6% kim ngạch so cùng kỳ.
Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thép sẽ duy trì xu hướng tăng tích cực do nhu cầu hồi phục ở các thị trường.
Theo số liệu tổng hợp từ các tổ chức quốc tế, nhu cầu thép Trung Quốc năm 2020 dự báo tăng 20% nhờ các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng để kích thích kinh tế - kéo theo thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ; nhu cầu thép thô của Nhật Bản trong quý IV/2020 dự kiến sẽ tăng 12% so với quý trước lên 2,1 triệu tấn; thị trường thép Châu Âu nhiều khả năng sắp tới sẽ rơi vào trình trạng thiếu cung do nhu cầu hồi phục trong khi sản xuất giảm và nguồn cung nhập khẩu thiếu do hệ thống hạn ngạch và các biện pháp tự vệ khiến tồn kho thấp.