Giá thép xây dựng hôm nay tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 32 nhân dân tệ lên 3.743 nhân dân tệ/tấn vào lúc 11h00, ngày 8/8, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Chốt phiên giao dịch thứ Tư 7/8, hợp đồng thép thanh xây dựng hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 0,9% xuống còn 3.711 nhân dân tệ/tấn, ghi nhận mức thấp nhất từ ngày 18/6, theo Hellenic Shipping News.
Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,7% xuống còn 3.657 nhân dân tệ/tấn.
Hầu hết giá các kim loại màu tại thị trường giao sau của Trung Quốc vẫn chịu áp lực với giá quặng sắt giảm phiên thứ 5 liên tiếp, chạm mức thấp nhất trong 6 tuần trong bối cảnh nguồn cung tăng và nhu cầu suy yếu.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 5,7% xuống còn 658 nhân dân tệ/tấn (tương đương 93,46 USD/tấn), mức thấp nhất kể từ ngày 26/6.
Kết thúc phiên giao dịch, giá quặng sắt giảm 5,4% xuống 660,5 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao cho Trung Quốc ở mức 101 USD/tấn vào thứ Ba (6/8), theo dữ liệu của SteelHome. Tính đến nay, giá quặng sắt giảm hơn 20% kể từ mức cao đỉnh điểm 5 tháng vào tháng trước.
Giá quặng sắt trên Sàn Đại Liên đã giảm 12% kể từ đầu tháng 8 với các dấu hiệu cho thấy tình trạng khủng hoảng nguồn cung toàn cầu đang giảm bớt và nhu cầu thép trong mùa hè ở Trung Quốc đang suy yếu.
Trong bối cảnh xuất khẩu từ Brazil và Australia phục hồi, khối lượng nguyên liệu sản xuất thép dự trữ tại các cảng của Trung Quốc tăng tuần thứ ba liên tiếp lên 121,05 triệu tấn tính đến ngày 2/8. Đây là mức cao nhất kể từ ngày 6/6.
Giá quặng sắt quau đầu giảm mạnh và cuộc chiến thương mại leo thang đã khiến Tập đoàn tài chính Jefferies hạ xếp hạng đối với một số công ty khai thác và giảm dự báo giá hàng hóa.
Jefferies giảm dự báo giá quặng sắt hạt trong năm 2019 thêm hơn 10% xuống 88 USD/tấn, trong khi giá quặng sắt cục xuống còn 106 USD/tấn.
Sự chậm lại trong hoạt động xây dựng và sự suy giảm trong sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc do chiến tranh thương mại sẽ là những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đối với nhu cầu của kim loại, ngay cả khi chính quyền đưa ra các biện pháp kích thích tài chính tiền tệ nhằm phục hồi trong nền kinh tế.
Giá quặng sắt giao sau của Singapore cũng giảm vào ngày 7/8 với hợp đồng giao tháng 9 dưới 90 USD/tấn.
Giá than mỡ giảm 0,8% xuống 1.395,5 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc tăng 0,9% lên 2.066,5 nhân dân tệ/tấn.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang đứng trước lo ngại liệu đồng nhân dân tệ giảm mạnh xuống mức thấp nhất 11 năm sẽ trở thành mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhấn chìm các loại tiền tệ khác.
Lợi nhuận ngành thép Việt sụt giảm trong quý 2
Không chỉ liên tục chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra bán phá giá, nguồn gốc xuất xứ, các doanh nghiệp thép còn phải đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Báo cáo tài chính quý 2/2019 của hàng loạt doanh nghiệp ngành thép ghi nhận lợi nhuận sụt giảm.
Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cho biết doanh thu quý 2 đạt 15.300 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế sáu tháng đầu năm 2019, Hòa Phát đạt doanh thu thuần gần 30.061 tỉ đồng tăng hơn 10 % so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế hơn 3.860 tỉ đồng, giảm gần 13%.
Ống Thép Việt Đức (VGS) ghi nhận doanh thu thuần gần 1.614 tỉ đồng trong quý 2/2019, giảm gần 10% so với cùng kỳ do giảm giá bán. VGS lãi ròng hơn 18 tỉ đồng trong quý 2/2019, tăng hơn 23% so với kết quả cùng kỳ. Lũy kế sáu tháng đầu năm, VGS ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.463 tỉ đồng, sụt giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi ròng ghi nhận hơn 28 tỉ đồng, giảm hơn 13%.
Trong khi đó, thép Pomina (POM) báo lỗ quý thứ hai liên tiếp. Riêng trong quý 2, POM đạt doanh thu thuần hơn 3.063 tỉ đồng, giảm gần 15%, lợi nhuận gộp gần 86 tỉ đồng, giảm 66% so với mức hơn 258 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng tới 78% lên mức hơn 98 tỉ đồng. Điều này khiến công ty báo lỗ hơn 49 tỉ đồng, khoản chênh rất lớn so với lợi nhuận hơn 164 tỉ đồng cùng kỳ năm 2018.
Theo các doanh nghiệp thép, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng đến 70% từ đầu năm đến nay ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh. Thực tế hiện nay, sản xuất thép trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (70% thép vụn, 40-50% phôi thép phải nhập khẩu…).
Việc thiếu chủ động nguồn nguyên liệu cùng những biến động về giá trong bối cảnh căng thẳng thương mại, khiến các doanh nghiệp thép khó khăn trong việc dự báo, điều chỉnh giá dẫn đến lợi nhuận biến động.
Hơn nữa, một loạt chi phí sản xuất như giá điện, xăng dầu liên tục gia tăng khiến tình hình kinh doanh càng thêm khó khăn. Theo ước tính của Hiệp hội Thép, giá điện tăng 8,36% thì giá thép có thể tăng trên dưới 100.000 đồng/tấn. Thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong đó có điện năng. Do đó, giá điện tăng thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên.
Tác động của việc tăng giá điện đối với từng doanh nghiệp sẽ khác nhau. Doanh nghiệp sử dụng lò điện hồ quang sẽ chịu tác động nhiều nhất, sau đó là đến các doanh nghiệp sản xuất gang thép liên hợp và cuối cùng là các cơ sở sản xuất cán và sau cán.
Theo Bộ Công Thương, thép Việt là một trong những ngành chịu nhiều áp lực nhất từ phòng vệ thương mại, những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, nhất là cảnh giác với việc hàng có xuất xứ Trung Quốc núp bóng thị trường Việt Nam để “né thuế”, xuất khẩu sang Mỹ.