Giá thép xây dựng giảm mạnh
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 51 nhân dân tệ xuống 3.398 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 9/3, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Kết thúc phiên thứ Sáu (7/3), giá thép thanh xây dựng giảm 0,8% trong khi giá thép cuộn cán nóng giảm 0,7% và giá thép không gỉ giảm 0,3%, theo Reuters.
Hợp đồng quặng sắt giao sau tại Trung Quốc tuột dốc do lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu bởi sự bùng phát của virus corona, giảm tới 1,6% xuống còn 654 nhân dân tệ/tấn nhưng trên đà có mức tăng hàng tuần gần 7% so với tuần trước.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 tăng 1,5% lên 176,8 triệu tấn so với 174,3 triệu tấn trong cùng kì năm 2019, chủ yếu là nhờ nhập khẩu trong tháng 1 khi Tết Nguyên đán cận kề, các nhà sản xuất bổ sung dự trữ trong kho.
Xuất khẩu từ Brazil giảm và tác động của bão nhiệt đới Damien đối với sản xuất của Rio Tinto ở Pilbara khiến nguồn cung quặng sắt trên thị trường mất khoảng 10 triệu tấn trong cả hai tháng, điều này giúp cho giá cả ổn định.
Dữ liệu hải quan vào thứ Bảy (7/3) cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn sản phẩm thép trong hai tháng đầu năm, giảm 27% so với năm 2019.
Xuất khẩu nhôm chưa gia công, gồm kim loại chính, hợp kim và bán thành phẩm, giảm 25,3% so với cùng kì xuống còn 669.208 tấn trong hai tháng đầu năm nay.
Nhập khẩu đồng chưa gia công tăng 7,2% lên 846.107 tấn từ 789.358 tấn trong hai tháng đầu năm 2019.
Nhập khẩu đồng cô đặc trong hai tháng giảm 1,2%, cho thấy nhu cầu kim loại chưa gia công giảm mạnh vì các nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng tìm kiếm tinh quặng hơn trong quá trình sản xuất.
Xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38%
Sản lượng thép thô của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 22,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, bán hàng đạt gần 1,4 triệu tấn, giảm trên 30% so với cùng kì, xuất khẩu thép giảm 38% còn 283.134 tấn, theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).
Việt Nam nhập khẩu hơn 940.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 1, trị giá khoảng 567 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu hơn 460.000 tấn sắt thép các loại, trị giá khoảng 247 triệu USD.
Theo VSA, nhập khẩu sắt thép các loại năm 2019 tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 3,9% về kim ngạch so với năm 2018, đạt 14,5 triệu tấn, trị giá 9,51 tỉ USD.
Nhập khẩu thép từ Trung Quốc – thị trường lớn nhất, giảm 18% về lượng, giảm 26,6% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2018, đạt 5,14 triệu tấn, tương đương 3,3 tỉ USD.
Năm 2019, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 7,4% về kim ngạch và giảm 13,2% về giá so với năm 2018, đạt 6,7 triệu tấn, giá trị 4,2 tỉ USD.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 62,5% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và gần 60% trong tổng kim ngạch, đạt 4,17 triệu tấn, giá trị 2,52 tỉ USD.