Giá tiêu hôm nay dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đi ngang ở mức mức 54.000 đồng/kg.
Hôm nay giá tiêu tại Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa), Bình Phước vẫn ổn định ở mức 53.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu tại Đồng Nai đứng ở mức 52.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Gia Lai (Chư Sê), vẫn ở mức 51.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất tại các địa phương trồng tiêu Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam chiếm 36% thị phần. Giá xuất khẩu bình quân chỉ còn 3.271 USD/tấn, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2017. Chính vì vậy dù xuất khẩu tăng gần 9% về lượng nhưng giá trị giảm đến 32,5%. Cả 11 tháng qua giá trị xuất khẩu tiêu chỉ đạt có 718 triệu USD và nhiều khả năng sẽ lần đầu tiên sau nhiều năm không vượt qua được con số 1 tỉ USD. Năm 2017, xuất khẩu tiêu đạt 1,12 tỉ USD, con số này đã thấp hơn năm 2016 gần 22%. Ngành tiêu cũng đang chịu sức ép lớn do nguồn cung dư thừa.
Giá tiêu tại thị trường nội địa chỉ còn 51.000 – 54.000 đồng/kg, giảm 3.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng trước và giảm đến 3 lần so với mức giá đỉnh điểm cách đây 3 năm.
Dù giá giảm, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới nhờ thặng dư cung - cầu giảm. Theo Tổ chức Hồ tiêu quốc tế (IPC), dự kiến tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2019 đạt 494.200 tấn, giảm so với mức 523.400 tấn của năm 2018.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong vụ mùa 2018/2019, Việt Nam có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 ha. Đáng chú ý, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại có chiều hướng tăng lên.
Điểm tích cực là thời gian gần đây, nông dân trồng hồ tiêu đã tuân thủ tốt hơn các quy trình canh tác, sản xuất để có nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các địa phương tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác theo tiêu chuẩn GAP, quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách hơn...
Trong khâu chế biến, hiện cũng đã có 20 doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến riêng để xử lý hạt tiêu theo tiêu chuẩn công nghệ cao với công suất khoảng 60.000 - 70.000 tấn/năm. Phần lớn các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn GMP và nhiều tiêu chuẩn quốc tế quy định đối với nhà máy chế biến thực phẩm.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, để cây tiêu giành lại vị thế ngành hàng tỷ USD, các doanh nghiệp cần liên kết với người nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chế biến sâu các sản phẩm tiêu như tiêu đen nghiền hay tiêu trắng nghiền...
Giá tiêu thế giới tăng giảm trái chiều
Hôm nay 22/12/2018 lúc 9h30 giờ Việt Nam, giá tiêu tại sàn Kochi (Ấn Độ) giao tháng 12 đảo chiều tăng 20 Rupi/tạ lên 38.900Rupi/tạ. Trong khi đó, giá tiêu giao tháng 1/2019 giảm mạnh 192 Rupi/tạ, còn 38.847 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.
Theo tờ Phnom Penh Post, Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cho biết tính đến năm 2016, tổng diện tích hồ tiêu của Campuchia đạt 5.000ha với lượng xuất khẩu đạt 1.050 tấn. Con số này được nâng lên gần 2.700 tấn vào năm 2017.
Một liên đoàn mới về ngành hồ tiêu đã được thành lập nhằm củng cố thị trường và giải quyết các thách thức trong lĩnh vực này. Liên đoàn Hạt tiêu và Gia vị Campuchia đã được Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp phối hợp thành lập vào tháng trước.
Nhìn về bức tranh tổng thể, theo Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2018 ước đạt 445.150 tấn, thấp hơn 15.349 tấn so với năm 2017. Trong đó, sản lượng hạt tiêu của Ấn Độ ước đạt 64.000 tấn. Theo số liệu từ Công ty Hemanand Spices có trụ sở tại Kochi, hiện Ấn Độ chỉ còn khoảng 45.000 tấn hạt tiêu sau thu hoạch, thấp hơn nhiều so với con số dự báo trước đó của Công ty là 70.000 tấn và thấp hơn so với con số ước tính của Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế.