Giá xăng dầu thế giới tăng
Ghi nhận vào lúc 7h30, giờ Việt Nam, ngày 16/5, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 7,8% lên 29,71 USD/thùng sau khi tăng 6,8% trong phiên giao dịch trước. Giá dầu thô Brent cũng tăng 5,49% lên 32,84 USD/thùng sau khi tăng 4,4% vào hôm qua.
Ảnh minh họa: internet
Kết thúc phiên, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,87 USD (6,8%) lên 29,43 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 29,92 USD/thùng – cao nhất kể từ giữa tháng 3; dầu Brent tăng 1,37 USD (4,4%) lên 32,50 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu WTI tăng 19,7%; trong khi dầu Brent tăng 5,2%.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nhà sản xuất dầu lớn khác (OPEC+) đã khởi động chiến dịch cắt giảm mạnh sản lượng trong tháng 5 và 6/2020 để giải quyết tình trạng dư cung dầu mỏ.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã đột ngột giảm xuống. Nhu cầu mặt hàng này cũng đang dần cải thiện. Dữ liệu cho thấy tiêu thụ dầu thô hàng ngày ở Trung Quốc trong tháng 4/2020 đã hồi phục khi các nhà máy tăng công suất hoạt động.
Theo Investing, giá dầu Mỹ tăng vọt và hướng tới mốc 30 USD/thùng là nhờ dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,9% trong tháng 4 so với một năm trước và phục hồi so với đợt giảm 1,1% của tháng 3.
Giá dầu WTI, duy trì ở mức thấp kể từ khi chạm đáy 12,34 USD vào ngày 28/8, tăng gần 140% chỉ sau hơn hai tuần.
Trong tuần, giá dầu WTI đã tăng 19%, kéo dài đà tăng 25% của tuần trước và 17% trong tuần trước nữa.
Giá dầu Brent ghi nhận tăng nhẹ 5% trong tuần. Mức tăng của giá dầu Brent trong hai tuần trước lần lượt là 17% đối với tuần trước và 23% trong tuần trước nữa.
Phần lớn đà tăng của dầu thô Mỹ là nhờ sản xuất trong nước vì sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã khiến các giếng và giàn khoan trên khắp nước Mỹ đóng cửa với tốc độ nhanh hơn các nơi khác trên thế giới.
Tiêu thụ xăng dầu tăng cũng đã hỗ trợ giá khi hầu hết 50 tiểu bang của Mỹ đã mở cửa trở lại từ khi áp lệnh phong toả để chống lại đại dịch.
Bộ Công Thương không đồng ý dừng nhập khẩu xăng dầu
Việc dừng nhập khẩu xăng dầu theo đề xuất của PVN là rất khó thực hiện.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp trong ngành và vi phạm cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại, WTO mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Tại cuộc họp chiều 15/5, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết cơ quan này cân nhắc rất kỹ trước đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), song thực tế đề nghị này khó thực hiện. Ông Hải nêu ra loạt quan ngại nếu thực thi chính sách này.
Ông cho hay, đề nghị được PVN đưa ra trong bối cảnh tồn kho xăng, dầu của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tăng đột biến trong những tháng qua do ảnh hưởng của Covid-19, giá dầu giảm sâu.
Mặt khác, việc giá dầu thô tụt dốc đã khiến PVN giảm nguồn thu, có thể mất tới gần 2 tỷ doanh thu năm nay, song thực tế không riêng ngành dầu khí bị ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng không tránh khỏi vòng xoáy của Covid-19.
Riêng với xuất nhập khẩu xăng dầu, hiện có 33 doanh nghiệp đầu mối và họ cũng gặp khó khăn khi giá bán lẻ các mặt hàng này trong nước giảm 8 lần kể từ đầu năm và mới chỉ tăng "ở mức vừa phải" từ ngày 13/5.
Lãnh đạo Bộ Công Thương nói thêm, khi xem xét đề nghị của PVN, bản thân ông đã làm việc với lãnh đạo PVN, các đơn vị trong ngành và thấy rằng, nếu hạn chế, hay ngưng nhập khẩu xăng dầu thì sẽ ảnh hưởng tới tất cả doanh nghiệp lĩnh vực này. Chưa kể, nếu ngưng hoặc cấm nhập cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cấm các nước khác xuất khẩu xăng dầu vào Việt Nam và có thể vi phạm các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại, quy định của WTO mà Việt Nam tham gia, ký kết. "Khi đó liệu họ cấm lại các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào nước họ thì sao", Thứ trưởng Công Thương nêu.
Do đó, để hài hoà lợi ích doanh nghiệp (sản xuất, đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu) - người dân - Nhà nước và đảm bảo an ninh năng lượng thì "hiện giờ không nên áp dụng chính sách ngừng hay cấm nhập khẩu xăng dầu".
Giá xăng tăng mạnh hơn 600 đồng/lít kể từ 15h00 chiều ngày 14/5/2020
Từ 15h00 ngày 13/5/2020, xăng E5RON92 tăng 578 đồng/lít, giá mới là 11.520 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 604 đồng/lít, giá mới là 12.235 đồng/lít.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 15h ngày 13/5.
Theo đó, Liên Bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 800 đồng/lít; dầu diesel ở mức 1.400 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 1.600 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 500 đồng/kg.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá xăng E5RON92 tăng 578 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 604 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 84 đồng/lít; dầu hỏa giảm 424 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 125 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 11.520 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 12.235 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 9.857 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 7.882 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 8.545 đồng/kg.
Giá xăng tăng trở lại sau 8 đợt giảm giá liên tiếp từ đầu năm do bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày qua tăng trở lại, 5-6 USD/thùng xăng. Chẳng hạn, giá bình quân một thùng RON92 (dùng để pha chế xăng E5RON92) tăng thêm hơn 5,9 USD, lên mức 24,420 USD; RON95 cũng tăng gần 6,7 USD lên 26,424 USD. Trong khi đó, so với kỳ trước, giá bình quân các mặt hàng dầu lại giảm 2,3 - 3,07% so với kỳ trước.
Giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex ngày 16/5/2020
Đơn vị: đồng