Giá xăng dầu hôm nay 20/4: Xăng có thể tăng hơn 1.000 đồng/lít

(VOH) Giá xăng dầu ngày 20/4 tăng hơn 1% sau khi giảm mạnh phiên hôm qua khi Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới và cảnh báo lạm phát nóng hơn.

Giá xăng dầu thế giới tăng

Giá xăng dầu ngày 20/4, dầu WTI tăng 1,09 USD/thùng tương ứng 1,06% lên mức 103,65 USD/thùng; Dầu Brent tăng 1,09 USD/thùng tương ứng 1,02% lên mức 108,34 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 20/4/2022
Ảnh minh họa: internet

Kết thúc phiên hôm qua 19/4, giá dầu WTI giảm 5,17% xuống 102,05 USD/thùng còn giá dầu Brent giảm 5,22% xuống 107,25 USD/thùng.

IMF cảnh báo cuộc chiến kéo dài có thể sẽ làm cho rủi ro kinh tế nhiều thế giới đi xuống ngày càng tăng. Các hoạt động sản xuất sẽ bị chậm lại và giảm thiểu, tăng rủi ro lạm phát và giá cả.

Theo MXV, với vai trò là năng lượng chính cho các hoạt động công nghiệp và sản xuất, thông tin này khiến cho giá dầu thô chịu ảnh hưởng mạnh hơn cả, so với các loại nguyên liệu đầu vào khác như nhóm kim loại.

Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát còn khiến cho dòng tiền trên thị trường chuyển dịch một phần vào nắm giữ các tài sản an toàn như trái phiếu và tiền mặt, khiến tài sản tài chính chung như thị trường hàng hóa chịu áp lực.

Giá dầu sụt giảm bất chấp sản lượng của OPEC+ thấp, trong tháng 3 sản lượng dưới mục tiêu 1,45 triệu thùng/ngày, do sản lượng của Nga bắt đầu giảm khi bị các nước Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt vì xung đột tại Ukraine.

Trong tháng 3, Nga đã sản xuất 10,018 triệu thùng/ngày, dưới mục tiêu 300.000 thùng/ngày.

Bổ sung thêm áp lực giảm cho giá dầu là đồng USD giao dịch ở mức cao nhất trong hai năm.

Dự báo tăng trưởng giảm của IMF cùng với báo cáo kho dự trữ dầu mỏ chiến lược giảm 4,7 triệu thùng đang gây ra một số lo lắng.

Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu được tập trung sau khi một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ có thể tăng trong tuần trước.

Nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể bắt đầu khôi phục khi các nhà máy sản xuất chuẩn bị mở lại ở Thượng Hải.

Khả năng Liên minh Châu Âu cấm dầu mỏ của Nga tiếp tục khiến thị trường lo lắng.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vào tháng 3, làm xấu đi triển vọng vốn đã bị suy yếu bởi các biện pháp hạn chế COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể bắt đầu tăng khi các nhà máy sản xuất chuẩn bị mở cửa trở lại ở Thượng Hải.

Giá xăng trong nước có thể tăng 1.100 đồng mỗi lít vào ngày mai

Theo doanh nghiệp đầu mối, giá xăng có thể tăng 800-1.100 đồng một lít vào ngày 21/4 nếu nhà điều hành không trích Quỹ bình ổn.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 14/4 với RON 92 là 114,59 USD một thùng, RON 95 là 126,13 USD một thùng, tăng so với đợt điều chỉnh trước đó. Tương tự, giá dầu có lúc tăng lên 145 USD một thùng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho biết, giá xăng dầu đã quay đầu đi lên những ngày qua. Hai mặt hàng Brent và WTI đã tăng khoảng 9% trong tuần trước. Nguyên nhân là thị trường tiếp nhận thông tin Liên minh châu Âu (EU) có thể thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga cũng như sự nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở Thượng Hải (Trung Quốc) khi các ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu giảm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cảnh báo khoảng 3 triệu thùng dầu một ngày và các sản phẩm dầu của Nga có thể bị ngừng mua từ tháng tới do các lệnh trừng phạt hoặc người mua tự tránh xa hàng hóa nước này.

"Giai đoạn giảm của dầu đã đi qua và dự báo giá tăng liên tục trong các ngày tới. Kỳ điều hành tới, giá xăng sẽ tăng quanh mức 800-1.100 đồng một lít, còn giá dầu có thể cộng thêm 1.300 đồng nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn", lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu ở TP HCM nói.

Ở phương án thứ hai, ông này cho rằng, nếu nhà điều hành trích hoặc sử dụng Quỹ bình ổn, giá xăng dầu sẽ tăng quanh mức 500-700 đồng một lít.

Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội cho biết, so với kỳ điều hành trước, giá xăng, dầu nhập vào đang tăng trên 800 đồng và có thể tăng mạnh ở các chu kỳ điều hành tiếp theo. Cho nên, chu kỳ tăng "sốc" có thể xảy ra.

Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ quay đầu tăng sau 3 lần giảm liên tiếp. Tính chung trong gần 4 tháng đầu năm, giá xăng đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm giá. Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới (căn cứ dùng để tính giá cơ sở) đã tăng 33,7-38,9% từ đầu năm nhưng giá bán lẻ trong nước tăng thấp hơn, ở mức 9-11%.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết hiện nay chiết khấu lại quay về mức rất thấp, thậm chí 0 đồng. Cụ thể, tại miền Bắc, chiết khấu khoảng 0-300 đồng/lít, miền Trung và Nam chủ yếu 0 đồng.

Tại kỳ điều hành 12/4, mỗi lít xăng giảm 830-840 đồng, dầu hỏa, diesel hạ 700-740 đồng.

Giá bán lẻ xăng dầu ngày 20/4/2022

Đơn vị: đồng

Giá xăng dầu hôm nay 20/4: Giá xăng có thể tăng hơn 1.000 đồng mỗi lít vào ngày mai 2