Giá xăng dầu hôm nay 29/3: Giá dầu phục hồi tăng trở lại sau khi giảm khoảng 7%

(VOH) - Giá xăng dầu ngày 29/3 tăng nhẹ sau khi lao dốc khoảng 7% sau khi Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc triển khai phong tỏa để hạn chế số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt.

Giá xăng dầu thế giới tăng

Giá xăng dầu ngày 29/3, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,56% lên 104 USD/thùng vào lúc 5h30 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 5 cũng tăng 0,13% lên 106,7 USD/thùng.

Giá xăng dầu ngày 29/3/2022
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 5h30 ngày 29/3/2022

Giá xăng dầu hôm nay 29/3: Giá dầu phục hồi tăng trở lại sau khi giảm khoảng 7% 2

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/3), giá dầu thô Brent giảm 6,8% xuống 112,48 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm khoảng 7% xuống 105,96 USD.

Giá dầu thô tương lai biến động mạnh kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2. Tuần trước, giá dầu Brent tăng gần 12%, WTI tăng gần 9%.

Thượng Hải, cửa ngõ tài chính của Trung Quốc, bắt đầu đợt phong tỏa hai giai đoạn với 26 triệu người từ ngày 28/3 để ngăn Covid-19 lây lan. Nhà chức trách đóng cửa các cầu, hầm và hạn chế giao thông trên cao tốc.

“Lo ngại các đợt phong tỏa có thể lan rộng khiến thị trường suy giảm”, theo Andrew Lipow, chủ tịch Lipow Oil Associates, Houston, bang Texas.

Lực cầu dầu tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, dự báo giảm 800.000 thùng/ngày so với bình thường trong tháng 4, Bjarne Schieldrop, giám đốc phân tích hàng hóa tại SEB, nói.

Kỳ vọng về đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, có thể bắt đầu ngày 29/3, cũng gây áp lực lên giá.

Theo một số nguồn tin thân cận, OPEC+ có thể tiếp tục duy trì kế hoạch tăng sản lượng khiêm tốn trong tháng 5 bất chấp giá tăng vọt bởi khủng hoảng của Ukraine và những lời kêu gọi tăng nguồn cung từ các nhà tiêu thụ.

Thiếu hụt nguồn cung đang tăng lên, trong khi khối lượng dầu thô của Nga giao ngay tháng 4 dự kiến khó tìm người mua. Dòng dầu thô của Nga ít bị ảnh hưởng trong tháng 3 do hầu hết đã được ký hợp đồng trước xung đột này.

Các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang mua dầu thô của Nga, công ty năng lượng nhà nước PT Pertamina Indonesia đã trở thành công ty mới nhất thông báo họ đang xem xét mua dầu của Nga.

Tồn kho dầu tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang thấp nhất kể từ năm 2014. 

Để giúp nới lỏng nguồn cung, Mỹ đang cân nhắc xả dầu từ Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) nhưng tác động có thể hạn chế do tồn kho vốn đang thấp.