Giá xăng dầu thế giới tăng
Tại thời điểm 7h30, ngày 4/4, giờ Việt Nam, giá dầu WTI tăng 0,7% lên 28,7 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,5% lên 34,7 USD/thùng.
Ảnh minh họa: internet
Kết phiên giao dịch hôm thứ Sáu (3/4), giá dầu WTI tăng 12% lên 28,3 USD/thùng. Tính chung trong tuần qua, giá dầu WTI tăng tới 31,7%, tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1983. Giá dầu Brent tăng 14% lên 34,11 USD/thùng.
Đây là tuần tăng nhiều nhất lịch sử đối với cả hai loại dầu.
Thị trường năng lượng đi lên nhờ kỳ vọng về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Nga và Arab Saudi sẽ thương lượng để kết thúc cuộc chiến giá bắt đầu từ đầu tháng trước. Mỹ dự kiến không hạ sản lượng của nước này.
Ban đầu, Nga từ chối đề xuất nâng hạn mức giảm sản lượng. Tuy nhiên, mới đây, Reuters cho biết ông Putin muốn sản lượng trên toàn thế giới giảm khoảng 10 triệu thùng/ngày và Mỹ cũng phải tham gia vào việc này.
Cuối giao dịch hôm 2/4 ghi nhận đợt tăng mạnh nhất từ trước đến nay sau khi tổng thống Donald Trump cho biết ông đã thuyết phục Nga và Arab Saudi giảm sản lượng 10 - 15 triệu thùng/ngày. Theo đó, giá dầu WTI và Brent đồng loạt tăng tới 24%.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư quan ngại lời kêu gọi của ông Trump có thành hiện thực khi Mỹ không tham gia vào việc cắt giảm sản lượng.
Giới phân tích cho rằng ngay cả khi Nga và Arab Saudi đều đồng ý giảm sản lượng 15 triệu thùng/ngày, con số này vẫn chưa đủ để cân bằng thị trường bởi thế giới đang bước vào cuộc suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nhận định, kể cả việc cắt giảm mạnh sản lượng vào lúc này cũng không làm giảm nhiều tình trạng cung vượt cầu, do nhu cầu giảm mạnh bởi Covid-19 ngày càng diễn biến xấu.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, cho biết, nếu OPEC+ giảm cung10 triệu thùng/ngày, các kho chứa dầu trên toàn cầu sẽ vẫn tăng 15 triệu thùng/ngày trong quý II/2020. Tuy nhiên, theo ông Per Magnus Nysveen của Rystad Energy thì ít ra thì việc giảm 10 triệu thùng/ngày trong sản lượng cũng sẽ giúp thế giới có thêm khoảng 3 tuần để chuẩn bị cho thời điểm cạn kiệt chỗ chứa dầu.
Tỉnh Alberta của Canada, nơi có kho chứa dầu lớn thứ 3 thế giới, đã sẵn sàng hợp tác với bất kỳ thỏa thuận nào có thể đạt được trên toàn cầu với mục tiêu giảm cung dầu thô. Trái lại, Mexic chưa có kế hoạch cắt giảm sản lượng ở công ty dầu mỏ quốc doanh Pemex, mặc dù việc khai thác dầu ở quốc gia này đắt đỏ nhất thế giới.
Giá xăng trong nước giảm mạnh hơn 4.200 đồng/lít từ 15h ngày 29/3/2020
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 15h ngày 29/3.
Theo đó, Liên Bộ quyết định trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.150 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 450 đồng/kg.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá xăng E5RON92 giảm 4.100 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 4.252 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 1.776 đồng/lít; dầu hỏa giảm 2.705 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.048 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 11.956 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 12.560 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.259 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 9.141 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.453 đồng/kg.
Theo Liên Bộ, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 29/3/2020 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới nên giá xăng dầu có biến động có tăng và giảm nhưng xu hướng chung là giảm.
Giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex ngày 4/4/2020
Đơn vị: đồng