Giải pháp cho nông sản Việt trong nền kinh tế đang phát triển

(VOH) - Trước khi nghĩ đến các giải pháp mang tính vĩ mô thì bản thân doanh nghiệp phải làm sao tạo được chữ tín trên thương trường và cùng với đó nông dân phải từ bỏ lối sản xuất chạy theo phong trào.

Bài 2: Tìm lối ra cho nông sản Việt

Trong những năm qua, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển tích cực. Nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao đứng hàng nhất nhì thế giới. Nhờ đó những lúc kinh tế nước nhà gặp khó khăn thì nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” đúng lúc và kịp thời. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá cả biến động, tình hình khí hậu, thời tiết có những biến đổi phức tạp cộng thêm ảnh hưởng không nhỏ trừ các biến động đến từ nước láng giềng đã đặt ngành nông nghiệp của ta vào hoàn cảnh phải chống chọi với không ít rủi ro và thách thức.

Nông sản của nhà nông làm ra hễ “trúng mùa” thì thường bị “mất giá”, trong khi chi phí đầu tư cho sản xuất lại ngày một tăng đẩy nông dân vào hoàn cảnh bí bách. Vì thế việc tìm lối thoát cho nông sản Việt đang là một yêu cầu cực kỳ quan trọng của ngành nông nghiệp và để giải quyết bài toán này cần một giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược. Trong đó tăng cường sự liên kết và đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác chiếm giữ một vai trò chủ đạo.

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh:

 

 

Theo các nhà hoạch định chính sách, hiện nay nói đến liên kết trong nông nghiệp không chỉ dừng lại ở mối liên kết “4 nhà” như chúng ta thường thấy, mà đó sẽ là một phạm trù rất rộng. Bởi lẽ vấn đề mang tính sống còn cho thương mại nông sản không chỉ dừng lại ở câu chuyện giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân liên kết trong phạm vi của một mô hình, mà nó cần thể hiện được tính liên kết vùng mạnh mẽ. Tuy nhiên trước khi nghĩ đến việc này thì ngành chức năng phải sớm hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể cho ngành nông nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Trọng Bình - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nêu ý kiến:

 

 

Vẫn biết việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và thường do thị trường quyết định. Vậy nên nếu chúng ta làm tốt công tác quy hoạch và nông dân thực hiện những khuyến cáo mà ngành nông nghiệp đặt ra thì có lẽ cảnh “trồng rồi chặt” sẽ bớt xảy ra. Vì thực tế đã cho thấy bất cứ một thị trường nông sản nào cũng có lúc thừa lúc thiếu, nhưng việc phải đem đổ bỏ mặt hàng nào đó đi, lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Bởi nó không chỉ đơn thuần là do công tác quy hoạch chưa được đồng bộ, cũng không hẳn đơn thuần từ tập quán sản xuất manh mún chạy theo phong trào của nông dân, mà nó còn liên quan đến nhiều hạn chế khác nữa.

Giải pháp cho nông sản Việt trong nền kinh tế đang phát triển 1
Phần lớn nông sản của ta xuất đi đều xuất dưới dạng thô, ít qua chế biến - Ảnh minh họa (Nguồn: GCF)

 

Thật vậy, nhìn lại thời gian qua sẽ thấy đa phần những mặt hàng nông sản của chúng ta xuất đi phần lớn đều xuất dưới dạng thô, ít qua chế biến và cùng với đó vấn đề chất lượng lại chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư đúng mức. Vì thế mà lợi nhuận đem về thường thấp và doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro trong khâu tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang cho thấy những dấu hiệu bất ổn và chưa có điểm dừng.

Bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương lưu ý:

 

 

Bên cạnh những giải pháp trên, vấn đề quan trọng không kém mà ngành nông nghiệp sắp tới cũng phải tập trung giải quyết, đó là làm sao thực hiện tốt công tác chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây khác ở những vùng sản xuất lúa khó khăn. Bởi nếu tính toán không khéo léo và lựa chọn cây trồng không hợp lý, thì vô tình chúng ta sẽ đẩy áp lực tiêu thụ lúa gạo sang cho những cây trồng khác. Và sự chệch choạc này sẽ kéo theo những tác động tiêu cực về quy hoạch, tính ổn định của thị trường cũng như thu nhập của người nông dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, để lựa chọn một loại cây trồng chuyển đổi phù hợp, người làm công tác quy hoạch cần phân biệt được những loại cây trồng có thị trường rộng và thị trường hẹp. Lấy ví dụ giữa cây mè, ớt, dưa hấu và bắp thì bắp là cây trồng có thị trường rộng, tức khả năng tiêu thụ lớn, còn mè, ớt và dưa hấu thuộc thị trường hẹp. Nếu chúng ta phát triển cây trồng có thị trường hẹp quá mức, chắc chắn đầu ra sẽ gặp trở ngại, đơn giản là việc tiêu thụ nông sản của những loại này sẽ chậm và hạn chế nhiều.

Nhận định về tiềm năng của thị trường bắp hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng:

 

 

Rõ ràng là việc tìm đầu ra cho nông sản Việt là một câu chuyện dài nhiều tập, đòi hỏi phải có thời gian. Bởi quy hoạch không thể làm vội và doanh nghiệp muốn có tiềm lực mạnh cũng phải trải qua một giai đoạn phát triển mới lớn lên được. Chỉ có ý thức cũng như tập quán sản xuất kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp là có thể thay đổi được trong một thời gian ngắn.

Điều này có nghĩa trước khi nghĩ đến các giải pháp mang tính vĩ mô thì bản thân doanh nghiệp phải làm sao tạo được chữ tín trên thương trường và cùng với đó nông dân phải từ bỏ lối sản xuất chạy theo phong trào. Bởi đây là những điều kiện cơ bản giúp ngành nông nghiệp định hình một hình thức sản xuất mang tính chuyên nghiệp hơn và khi đã chuyên nghiệp chúng ta mới dễ dàng hiện thực hóa được những hoài bão của mình.

Đó là nâng tầm nông nghiệp lên một trình độ sản xuất mới, trình độ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm làm ra đều đạt yêu cầu về chất lượng. Khi ấy hẳn là đầu ra nông sản Việt sẽ được thuận lợi hơn so với những gì đã diễn ra như trong thời gian vừa qua.