Giải pháp hợp tác giữa doanh nghiệp gỗ và kiến trúc sư

(VOH) - Trong những năm gần đây, sản phẩm gỗ đã và đang trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa thì các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong cách tiếp cận và khai thác.
Doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang bị các doanh nghiệp gỗ nước ngoài lấn sân ngay chính trên sân nhà (ảnh minh họa: noithatgo)

Việt Nam là nhà cung cấp đồ gỗ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng hàng thứ sáu trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỉ USD/năm. Các sản phẩm gỗ Việt Nam hiện đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành sản xuất đồ nội thất Việt Nam đã phát triển và đáp ứng được tiêu chí chất lượng, mẫu mã đối với hàng xuất khẩu vào các thị trường Âu, Mỹ. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng hoàn toàn không có kênh nào tiếp cận được đến những dòng sản phẩm chất lượng tốt này.

Theo kết quả khảo sát thị trường, chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam, còn lại 80% doanh số đang thuộc về các sản phẩm nhập từ nước ngoài. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết:


Hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam làm khâu phân phối, đây sẽ là vấn đề gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân ngay chính trên sân nhà.


Cái khó khi các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam quay lại thị trường nội địa đó là lâu nay các nhà máy sản xuất mẫu mã theo đơn đặt hàng của nước ngoài mà không quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng cần gì. Chẳng hạn như, khi quay lại thị trường trong nước thì các doanh nghiệp chưa chủ động về người thiết kế, chuyên gia tư vấn để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất các mặt hàng có thể bán được ở thị trường trong nước. Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Mifaco nhìn nhận:



Đó không chỉ là nỗi niềm riêng của những nhà sản xuất đồ gỗ mà các nhà tư vấn, các kiến trúc sư cũng nhiều lúc trăn trở làm thế nào để tìm ra những nhà cung cấp có uy tín và chất lượng, có thể đáp ứng được bản vẽ thiết kế và nhu cầu khách hàng để công trình đạt độ hoàn thiện tối đa. Do đó, việc liên kết giữa các nhà kiến trúc và các nhà sản xuất là việc cần làm để vừa đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, vừa cập nhật những xu hướng của thị trường trong nước. Ông Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM phân tích:


Một tình cảnh éo le khác mà các kiến trúc sư Việt Nam hiện nay đang gặp phải đó là sau khi thiết kế phần nội thất của căn nhà thì hầu hết các doanh nghiệp không cung cấp được nội thất theo bản vẽ đã thiết kế. Hậu quả là các chủ đầu tư khi có được căn nhà rồi phải ra ngoài tự tìm kiếm đồ nội thất vì thế căn nhà trở nên không hoàn thiện, không đưa được cái hồn của người kiến trúc vào trong căn nhà đó. Về những khó khăn của các nhà sản xuất chế biến gỗ, kiến trúc sư Hồ Lê Phương chia sẻ:



Vấn đề là hiện nay là làm thế nào để giới thiệu tiềm năng của nhà sản xuất đến với nhà kiến trúc, và sau đó vai trò của nhà kiến trúc phải thiết kế như thế nào để hướng dẫn nhà sản xuất đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng, nếu đảm bảo được thị hiếu thì chắc chắn sản phẩm sẽ tiêu thụ được. Muốn xây dựng được một vòng khép kín từ khâu tư vấn cho đến sản xuất và bán hàng, các doanh nghiệp cần kết nối với các đối tác trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, đầu tư, thiết kế, xây dựng…,
xây dựng được thương hiệu thông qua việc giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm hiện đại thời hội nhập nhưng đậm đà bản sắc “hồn Việt”. Có như vậy thì sản phẩm đồ gỗ và trang trí nội thất của doanh nghiệp Việt Nam mới đứng vững và chiếm lĩnh thị trường nội địa. /.