Hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường

(VOH) - Chiều 18/8, Đoàn công tác do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về kết quả 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố.
Hàng Việt đang chiếm lĩnh vị thế trên thị trường. Ành: petrotimes

5 năm qua, TP.HCM đã quán triệt và triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo thông báo kết luận số 264 của Bộ Chính trị. TPHCM đã xây dựng chương trình hành động tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về thông tin, tuyên truyền vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, triển khai chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt, phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán lẻ, kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM qua khảo sát để đánh giá về hiệu quả của quá trình triển khai của cuộc vận động cũng như chương trình hành động của thành phố với những giải pháp thực hiện đã cho thấy các tín hiệu khả quan: "Tỷ lệ sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước ở các ngành hàng khảo sát đều đạt bình quân trên 75%; 70% người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam; tỷ lệ hàng Việt được sử dụng trong các hộ gia đình chiếm tỷ trọng cao; siêu thị, trung tâm thương mại trở thành nơi mua hàng phổ biến nhất trong hầu hết các ngành hàng khảo sát, trong khi chợ truyền thống đã giảm dần vị thế; các yếu tố người tiêu dùng quan tâm ở các ngành hàng khảo sát là giá cả, thương hiệu và chất lượng; quan tâm, sử dụng các phương tiện, công cụ mua bán điện tử đang tăng dần; 70% người tiêu dùng đã biết đến các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam do thành phố tổ chức; tỷ lệ người tiêu dùng tìm kiếm thông tin các sản phẩm qua Internet ngày càng phát triển và đạt tỷ lệ khá cao trong các ngành hàng khảo sát".

Tính tới thời điểm tháng 8/2014, tỷ lệ hàng Việt Nam trong số hàng hóa bày bán tại các chợ truyền thống đạt bình quân 80% và tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố đạt bình quân 90% -95%. Đến nay, thành phố có 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 723 cửa hàng tiện lợi và 240 chợ truyền thống trong đó có 3 chợ đầu mối. Qua nhiều năm thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, đến nay thành phố đã có một số hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Tiêu biểu nhất là hệ thống phân phối của Liên hiệp hợp tác xã Thương mại Thành phố - Saigon Co.op phát triển không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn lan tỏa đến các tỉnh, thành khác trong  nước. Bà Nguyễn Thị Hạnh -  Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ: "Chúng tôi có 1 trung tâm thương mại Sense City khai trương đầu tiên tại Cần Thơ, 1 đại siêu thị tại Thủ Đức, 71 siêu thị Co.opmart, 81 cửa hàng thực phẩm tiện lợi, 175 cửa hàng Co.op có liên kết với hợp tác xã thành viên, 1 cửa hàng tại Bến Thành và kênh mua sắm HTV Co.op. Với chương trình tự hào hàng Việt, đây là 1 chương trình xuyên suốt từ 1998 với 28 nhà cung cấp tham gia thì đến nay đã có 600 nhà cung cấp tham gia vào chương trình này. Chương trình ngày càng phát triển với quy mô và doanh thu cũng như kinh phí đầu tư. Qua chương trình này, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%...".

Bà Võ Thị Dung - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TPHCM cho rằng, để đạt được kết quả như hiện nay, ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, người tiêu dùng thì công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí của thành phố cũng đã góp phần rất lớn đến sự thành công của cuộc vận động. Các cơ quan báo chí của thành phố đều mở các chuyên mục, tổ chức nhiều hình thức hoạt động như tổ chức giải báo chí “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, rồi tổ chức các cuộc thi sáng tác dân ca, hò vè, ca cổ... với chủ đề Tôi yêu hàng Việt để phục vụ công tác tuyên truyền: "Báo Sài Gòn Giải phóng đã mở chuyên mục "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên báo; Đài truyền hình Thành phố có rất nhiều nội dung tuyên truyền như câu chuyện hàng Việt, gameshow “Người bán hàng số 1”; Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố thì cũng đã tập trung tuyên truyền giới thiệu thương hiệu Việt, đặc biệt là giới thiệu các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trên thị trường đến với nhân dân trong nước cũng như nước ngoài; Báo Sài Gòn Tiếp thị tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, mở chuyên trang “Người Việt hàng Việt”, phối hợp với Báo Đài để thực hiện các chương trình hàng Việt người Việt ...".

Qua cuộc khảo sát của Đoàn kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành quả mà TPHCM đã đạt được. Sau khi Bộ Chính trị có chỉ thị năm 2009, chỉ 2 tháng sau, TPHCM đã có chương trình hành động riêng của mình vào 31/3/2010. Ông Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận: "Đánh giá khái quát về mặt truyền thông, thành phố đã làm rất nhiều biện pháp rất sáng tạo, quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp, hiệu quả cao lan tỏa khu vực; hoạt động quản lý nhà nước, của  các doanh nghiệp thì trên cơ sở có chương trình cụ thể của Ủy ban thì các sở ngành, doanh nghiệp, hội, đoàn thể đã triển khai. Đã nêu rõ 5 giải pháp về truyền thông, kết nối cung cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu dùng hàng Việt, tăng cường quản lý thị trường thì 5 giải pháp đó chúng tôi cho là rất đúng hướng".

Việc cụ thể hóa chủ trương thực hiện cuộc vận động bằng những giải pháp mang tính thực tiễn và được triển khai thông qua các hoạt động thiết thực, có định hướng dài hạn là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với thành công của chương trình hành động của thành phố.