Hiệp định TPP đã được ký kết: nhiều dòng đầu tư sẽ vào Việt Nam

(VOH) - Tối 5/10 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta (Mỹ), các nhà đàm phán đến từ 12 nước đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sau 6 ngày thương thảo, các nước đã cố gắng vượt qua những bất đồng để kết thúc đàm phán, bởi tất cả đều hiểu rằng, nếu không đạt được tiếng nói chung trong lần đàm phán này thì sẽ rất khó khăn khi các nước lớn như Mỹ, Canada,…chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử mới.

Những nút thắt được đưa ra trên bàn nghị sự xoay quanh vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ, mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.

Sau 5 năm đàm phán kéo dài, TPP về đích với sự hài lòng của các bên tham gia. Ảnh: AFP

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được xem là hiệp định quan trọng nhất của thế kỷ 21. Bởi đây không chỉ là hiệp định thương mại tự do khu vực siêu lớn bao trùm gần 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu mà còn là khuôn mẫu liên kết kinh tế được xem là khá đặc biệt của thế kỷ này. Đồng thời tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy đầu tư cũng như thương mại quốc tế.

Quan trọng hơn, thỏa thuận này đạt được mục tiêu mà các bên tham gia đàm phán đã đề ra về một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước tham gia. Các  lĩnh vực đàm phán, ký kết không đơn thuần là tự do hóa như các hiệp định thương mại tự do ở mức trao đổi hàng hóa mà liên quan với tất cả những chính sách cải cách bên trong lòng quốc gia như: quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, môi trường, cạnh tranh,…

Nhiều nhận định cho rằng, TPP mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam cải cách nền kinh tế theo hướng minh bạch, công bằng hơn, nguồn lực sẽ phân bổ hiệu quả hơn và nền kinh tế sẽ tăng tốc nhanh hơn.

Đánh giá về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, nhìn chung Việt Nam sẽ nhận được những tác động tích cực. Dự kiến đến năm 2020, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 8-10% GDP và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được các thị trường lớn và nhiều dòng đầu tư sẽ đến Việt Nam hơn nữa.

12 nước tham gia đám phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Trước mắt, các nước tham gia đàm phán TPP sẽ tập trung rà soát pháp lý nội dung của hiệp định để có thể sớm công bố nội dung của Hiệp định cho người dân và doanh nghiệp các nước TPP biết, bởi người dân và doanh nghiệp rất quan tâm đến các cam kết cụ thể.

Vậy là sau 5 năm đàm phán kéo dài và không kém phần căng thẳng, cuối cùng thì TPP cũng về đích với sự hài lòng của các bên tham gia. Hy vọng là hiệp định thương mại lịch sử này sẽ góp phần tích cực vào cán cân thương mại Thế giới và chuyển đổi đáng kể nền kinh tế của 12 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.