Hơn 10.000 việc làm chờ người lao động sau khi dịch bệnh ổn định

(VOH) - Từ ngày 1/10 đến 30/11, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP HCM sẽ phối hợp của 63 tỉnh thành Đoàn cả nước thực hiện hoạt động “Tiếp sức người lao động ” với tên gọi “Combo 3 trong 1”.

Chương trình tập trung các hoạt động như “Nhà trọ không đồng – Test nhanh miễn phí – Có việc làm ngay”. Điểm nổi bật của chương trình tiếp sức này là có 150 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với hơn 10.000 vị trí việc làm dành cho người lao động sau khi tình hình dịch bệnh ổn định và TP trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo đó, các ứng viên tìm việc sẽ được hỗ trợ giới  thiệu việc làm; được test nhanh  miễn phí khi đi phỏng vấn xin việc hoặc ngày đầu tiên lao động đến doanh nghiệp để nhận việc; được giới thiệu các khu nhà trọ 0 đồng, khu nhà trọ giá rẻ để người lao động nhanh chóng ổn định chỗ ở, an tâm tìm kiếm việc làm. 

Chương trình nhằm tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động trong việc giải quyết việc làm, đặc biệt là hỗ trợ lao động từ các tỉnh, thành có nhu cầu quay trở lại TP làm việc, nhanh chóng ổn định cuộc sống, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối giúp doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự, phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian tạm ngưng hoạt động do giãn cách xã hội. 

Hơn 10.000 việc làm chờ người lao động sau khi dịch bệnh ổn định 1
Trong 10 năm qua, chương trình “Tiếp sức người lao động” đã kết nối hơn 109.870 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với hơn 931.000 chỉ tiêu việc làm. Ảnh minh hoạ. 

Trong 10 năm qua, chương trình “Tiếp sức người lao động” đã kết nối hơn 109.870 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với hơn 931.000 chỉ tiêu việc làm. Hơn 549.250 lượt lao động đã đến tham quan, giao dịch về việc làm và hơn 62.040 lượt lao động được tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu đến các doanh nghiệp.

Riêng trong năm 2020, chương trình “Tiếp sức người lao động” có sự tham gia của 70 doanh nghiệp với hơn 15.000 vị trí việc làm trong các lĩnh vực.

Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động, cụ thể như: Ký kết với các đơn vị để hỗ trợ người lao động trong tìm kiếm việc làm, mở rộng sự tham gia đến 30 địa phương trong cả nước, tổ chức các chuyến xe miễn phí để đưa đón người lao động các địa phương khác đến thành phố tìm việc, ký kết với các trường đại học, cao đẳng để hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp ra trường, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí…

Cũng nhằm hỗ trợ kỹ năng cho thanh niên, lao động chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động, mới đây Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP đã  tổ hội thảo trực tuyến “Nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại 4.0 và Hành trang hội nhập thị trường lao động”. Theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, những ngành nghề gắn với kinh tế số và đáp ứng với nhu cầu thực tiễn cuộc sống sẽ trụ vững và tạo ra thu nhập cao. Do đó, người lao động phải thích nghi tốt với sự phát triển của công nghệ, số hóa và phải làm chủ được trang thiết bị để không bị robot thay thế. Những học sinh, sinh viên chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động cần nắm rõ nhu cầu này để có việc làm ổn định.

Chuyển đổi số sẽ thay đổi sâu sắc tương lai ngành sản xuất

Ngày 27/9, Nghiên cứu “Công xưởng tương lai- Hoạch định những kỹ năng thúc đẩy ngành sản xuất” chính thức được công bố. Nghiên cứu do ManpowerGroup và MxD thực hiện tập trung vào những tác động của cuộc chuyển đổi số diễn ra trong các tổ chức sản xuất, xác định các kỹ năng và vị trí thiết yếu của nhân tài làm việc trong lĩnh vực này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy đổi mới và năng lực lãnh đạo đối với sự thành công của doanh nghiệp khi chuyển đổi.

Bảng phân tích lực lượng lao động mang tính đột phá trong nghiên cứu đã xác định được 165 vị trí mới trong ngành sản xuất thuộc 7 lĩnh vực chuyên môn, gồm: Sản xuất kỹ thuật số; Mạch điện toán kỹ thuật số; Quản trị Doanh nghiệp kỹ thuật số; Sản phẩm kỹ thuật số; Thiết kế kỹ thuật số; Mạng lưới cung ứng; và Hoạt động đa kênh. Tác động của quá trình chuyển đổi trong từng lĩnh vực không giống nhau, trong đó lĩnh vực Sản xuất kỹ thuật số ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất, chiếm 28% trong số 165 vị trí mới được tạo ra. 

Theo nghiên cứu trên, phương thức hiệu quả nhất chính là các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ dài 6 tháng hoặc ít hơn, trong khi các chương trình đào tạo tại chỗ giúp giữ chân nhân tài với doanh nghiệp.

Chuyển đội số
Ảnh minh hoạ. 

Trên toàn cầu, chuyển đổi số với những tiến bộ ngày càng tinh vi về công nghệ đang xảy ra ở tất cả các ngành nghề, bao gồm ngành Sản xuất. Với vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi, lĩnh vực Sản xuất đã và đang ghi nhận quá trình số hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Đáng lưu ý, tiến trình đó dần đào thải những công việc lỗi thời, không còn phù hợp, đồng thời tạo ra nhu cầu cho các vị trí mới yêu cầu kỹ năng số hóa cao hơn. Nghiên cứu cho biết gần một nửa các vị trí trong ngành sản xuất sẽ thay đổi trong vòng ba đến năm năm tới.