Khẳng định thế mạnh doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm

(VOH) - Ngày 19/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2014. Cùng với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang được coi trọng; đã và đang góp phần giúp các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm Việt Nam khẳng định thương hiệu trên thị trường, thể hiện vai trò then chốt của mình trong nền kinh tế.
Người dân chọn mua nước mắm tại chợ Tân Định, Q.1, TP.HCM. Ảnh Tuổi trẻ

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã tạo dựng thương hiệu cho mình bằng hướng đi riêng. Điều này càng được khẳng định bởi lẽ, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực thực phẩm luôn phát triển ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng, trong khi rất nhiều doanh nghiệp thuộc những ngành nghề khác liên tục gặp khó, thậm chí là phá sản.

Viễn Phú là công ty đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam. Để tồn tại và phát triển, công ty đã chọn cho mình hướng đi riêng - đưa sản phẩm thực phẩm hữu cơ an toàn, tốt cho sức khỏe con người, đảm bảo môi trường sinh thái đến người tiêu dùng. Tận dụng thế mạnh nông nghiệp của vùng đất trù phú huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, công ty đã xây dựng nông trại, đạt tiêu chuẩn canh tác hữu cơ của Hoa Kỳ, chứng nhận tiêu chuẩn nông trại hữu cơ của Hà Lan. Đây chính là cơ sở để công ty phát triển thương hiệu hàng nông sản chất lượng của mình, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. Hiện sản phẩm của Viễn Phú đã thâm nhập thị trường của Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan và các nước Châu Á. Chính vì tận dụng hiệu quả thế mạnh, chọn hướng đi phù hợp, Viễn Phú với thương hiệu sản phẩm Hoa Sữa đã đứng vững trên thị trường trong nhiều năm qua. Bà Đào Thị Kim Trang, giám đốc kinh doanh và phát triển thương hiệu, Công ty thực phẩm Viễn Phú  chia sẻ: "Nói chung là lượng hàng đặt thì nhiều, lượng hàng mình sản xuất hiện vẫn chưa đáp ứng được, tại vì để đầu tư cả hệ thống cơ sở không phải chỉ mất một vài năm mà là mười mấy, hai ba chục năm, từng giai đoạn, đã có nhiều đơn đặt hàng nhưng mình chưa cung ứng kịp. Thị trường nước ngoài đón nhận nhiều, thị trường trong nước thì có hệ thống phân phối toàn quốc, chẳng hạn như Diamon, siêu thị, đại lý phân phối cao cấp, truyền thống… nói chung đầu ra của mình rất có tiềm năng".

Có mặt tại vùng đất trù phú đồng bằng Sông Cửu Long, được thiên nhiêu ưu đãi nhiều cá tôm, người dân nơi đây đã tạo ra sản phẩm nước mắm đặc trưng riêng. Không quảng bá rầm rộ và ồn ào, thương hiệu nước mắm Hồng Vũ ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đi sâu vào lòng người tiêu dùng theo định hướng “hữu xạ tự nhiên hương”. Qua 5 đời sản xuất, hương nước mắm ấy cứ tự nhiên, mà thấm vào từng bữa ăn hằng ngày của người dân miền Tây Nam Bộ, như một loại thực phẩm không thể thiếu. Do đó, dù bao năm qua, kinh tế thị trường có nhiều biến đổi, khi thịnh lúc suy, nhưng thương hiệu nước mắm Hồng Vũ vẫn tồn tại và phát triển. Hồng Vũ hiện có nhiều chủng loại phục vụ người tiêu dùng như nước mắm 30, 40, 60 độ đạm; nước mắm kho, nước mắm ăn sống, nước tương… và đã có mặt tại các siêu thị lớn như Co.op, Bic C.  Để giữ được thị trường ổn định trong nhiều năm như thế, Ông Trần Bá Phước, công ty nước mắm Hồng Vũ cho biết thêm: "Phân phối nước mắm loại Gia Hỷ, Hồng Vụ này thì năm nào cũng đạt chuẩn doanh thu, không biến động nhiều, vì thương hiệu đã có lâu ở Miền Tây Nam Bộ, người tiêu dùng đã quen, và công ty cũng đã mở rộng đại lý phân phối ở các tỉnh Miền Tây Nam Bộ".

Tạo đa dạng sản phẩm nông nghiệp để vào thị trường hàng lương thực thực phẩm bằng nhiều hướng - là chiến lược của Công ty Linh Anh. Tận dụng từ củ khoai lang, trái cà chua, quả dâu tằm, hay chanh dây…Qua tư duy sáng tạo, cộng với dây chuyền công nghệ hiện đại, Công ty Linh Anh đã khoác cho những loại rau quả bình dị ấy thành vô số sản phẩm thực phẩm ăn liền như: khoai lang sấy khô, chuối sấy khô, mứt cà chua, nước cốt dâu tằm… được người tiêu dùng ưa chuộng. Các sản phẩm trái cây sấy khô đến với người tiêu dùng không chỉ ở tính tiện dụng trong tất cả các bữa tiệc, hay đi picnic, du lịch mà còn có thể làm quà biếu trang trọng trong các dịp lễ, Tết, với giả cả rất hợp lý. Ông Trần Anh Hoàng, giám đốc Công ty Linh Anh chia sẻ niềm phấn khởi: "Năm vừa rồi với những chính sách đưa ra về chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng như những sản phẩm mới, thì doanh số của công ty đạt mức tăng 10% so với năm trước, đó là điều công ty rất vui, và kỳ vọng của công ty sẽ tăng từ 30 đến 50% trong năm mới".

Tuy nhiên, để xây dựng chiến lược lâu dài, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lương thực thực phẩm của Việt Nam còn cần phải hoàn thiện thêm nhiều mặt. Chuyên gia Kinh tế Lý Trường Chiến phân tích: "Các doanh nghiệp Việt nam phải cố gắng giữ được sự linh hoạt nhưng mà cần phải có chiến lược. Cụ thể chiến lược như thế nào thì mỗi doanh nghiệp phải làm rõ nguồn lực hiện tại của mình,  để cải thiện nguồn lực. Tiếp theo là doanh nghiệp phải tìm hiểu môi trường kinh doanh. Một điều nhận thấy rằng doanh nghiệp thành công có quá trình tìm hiểu về môi trường khách quan rất kỹ, nói cách khác là doanh nghiệp quan tâm đến các yếu tố  khách quan để tranh thủ cơ hội, phòng tránh các rủi ro".

Mỗi doanh nghiệp chọn cho mình một hướng đi riêng, có thể đi vào thị trường bằng việc đa dạng chủng loại sản phẩm, bằng một mũi nhọn tập trung hay chiếm lĩnh một phân khúc thị trường… nếu biết phát huy lợi thế của mình, tất yếu doanh nghiệp sẽ trụ vững. Tuy nhiên, dù phát triển thương hiệu ở tầm nào đi chăng nữa thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vẫn là tiêu chí hàng đầu các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực thực phẩm đặt lên hàng đầu.