Khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp FDI

(VOH) - Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO, Việt Nam đang chủ động tham gia đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do FTA với một số quốc gia trên thế giới. Cùng với ASEAN, Việt Nam đã ký kết các FTA: ACFTA, JFTA, AKFTA. AANZFTA, AFITA. Hiện nay Việt Nam đang xúc tiến đàm phán với EU. Lộ trình tham gia, tác động dự kiến tới nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp FDI (các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), có bị ảnh hưởng gì nếu Việt Nam ký kết FTA Việt Nam - EU hay không?

Doanh nghiệp FDI hưởng lợi gì nếu FTA Việt Nam - EU được ký kết? Đến nay, cả Việt Nam và EU đều chưa đưa ra khuôn khổ đàm phán và những yêu cầu cụ thể. Vì vậy chưa thể có cái nhìn đầy đủ, chính xác về hiệp định này. Tuy nhiên, có thể dự báo rằng một hiệp định mậu dịch tự do phải bảo đảm các tiêu chuẩn của WTO và bao quát các nội dung mở cửa thị trường hàng hoá, mở cửa thị trường dịch vụ với mức độ sâu rộng hơn những gì mà hai bên cam kết trong WTO. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp FDI, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ Hiệp định thương mại tự do này.

Theo Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc lựa chọn đối tác để đàm phán và ký kết FTA song phương cần được đặt trên căn bản hiệu quả kinh tế- xã hội của hoạt động thương mại quốc tế trong trung hạn 2011-2015 và trong dài hạn 2011-2020. Ông Nguyễn Mại cho biết thêm:

Về quan hệ thương mại hiện tại, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Năm 2008, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 14,9 tỷ USD, tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2003. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 10,85 tỷ USD, tăng 19,36% và nhập khẩu từ EU đạt 5,4 tỷ USD, tăng 6 % so với năm 2007. Các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU có mức tăng trưởng cao là những mặt hàng truyền thống như giày da, dệt may, cà phê hạt xanh, đồ gỗ, hải sản…, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Châu Âu. EU là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, công nghệ, phương tiện vận tải hoá chất… trong đó, nhập khẩu lớn nhất từ Đức với kim ngạch đạt 1,48 tỷ USD (chiếm 27,2% kim ngạch), tiếp đến là Pháp, I-ta-li-a lần lượt là hơn 820 triệu và hơn 669 triệu USD.

Qua đó, cơ cấu hàng xuất và nhập khẩu không chỉ có tính đối đầu cạnh tranh mà còn có tính hỗ trợ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang xuất siêu sang EU từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm. Như vậy, xét một cách trực diện, trong quan hệ thương mại với EU, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp FDI, sẽ được hưởng lợi khi giảm thuế nhập khẩu.

Về quan hệ đầu tư, hiện nay, 21 trong số 27 nước thành viên EU có các dự án đầu tư vào Việt Nam. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp khi làm ăn với EU, có thể tiếp thu được công nghệ cao, công nghệ nguồn từ EU, tạo thuận lợi cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cần có lộ trình thích hợp cho FTA Việt Nam - EU. Ông Trần Bình Phiên, Phó Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho biết:

Đối với hàng xuất khẩu, không phải chỉ có những thuận lợi như chúng ta đã biết, mà những yêu cầu đối với chất lượng hàng hoá, tiêu chuẩn môi trường, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ… của EU rất cao, những biện pháp, rào cản kỹ thuật luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều phân tích cho rằng, EU đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong chính sách thương mại với nhiều nước đang phát triển. Một mặt, EU tìm cách gia tăng áp lực mở cửa thị trường về hàng hoá, dịch vụ, đầu tư với các nước đối tác, mặt khác vẫn kiên quyết duy trì bảo hộ thông qua chính sách trợ cấp mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp và nhiều biện pháp bảo hộ khác.

Đối với hàng nhập khẩu, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể đương đầu và cạnh tranh với những hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao từ EU, liệu khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” có thành hiện thực khi tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng còn khá phổ biến và chất lượng hàng nội cũng như giá cả còn thiếu sức cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa? Có thể lường trước sức ép cạnh tranh trong các ngành điện tử, ô tô, xe máy và máy móc thiết bị… Các ngành này có thể sẽ bị suy giảm do tác động của FTA Việt Nam - EU.

Khi tiến hành ký kết FTA Việt Nam - EU, cả doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ đạt được những lợi ích riêng. Tuy nhiên cũng sẽ vấp phải những tác động chung, những bất lợi về cạnh tranh, chia sẻ thị trường khi giảm thuế. Nhưng nhìn chung, theo các chuyên gia, không có tính đối đầu trong hàng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có một sự chuẩn bị, lộ trình thích hợp trước khi tiến hành ký kết FTA Việt Nam - EU.