Ngân hàng Nhà nước khẳng định, quyền lợi của người gửi tiền, các quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan được Ngân hàng Nhà nước đảm bảo. Xung quanh chủ đề này, phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM (ảnh: cafeland)
* Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định đưa ngân hàng TMCP Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt. Vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước đã thành lập ban kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Đông Á. Ban kiểm soát đặc biệt này bao gồm các thành viên của Ngân hàng Nhà nước và các thành viên của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Nhiệm vụ của Ban kiểm soát đặc biệt này đã được ghi đầy đủ trong quyết định, nói ngắn gọn ở đây là nhằm duy trì sự ổn định trong hoạt động của Ngân hàng Đông Á trong thời gian này, đặc biệt là duy trì và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền.
Chúng tôi cũng đề nghị là tầng lớp nhân dân hãy yên tâm, đặc biệt những người gửi tiền. Nếu chúng ta có những hành vi hay rút tiền trước thời hạn thì không những chúng ta sẽ bị mất quyền lợi (ở đây là mất tiền lãi) mà còn gây ra hỗn loạn. Chúng tôi cũng đề nghị tầng lớp nhân dân nên bình tĩnh và tin tưởng vào sự hoạt động cũng như sự quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong việc duy trì hoạt động của Ngân hàng Đông Á.
* Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại chọn ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để hỗ trợ Đông Á trong thời điểm này?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: BIDV là một ngân hàng lớn, có thương hiệu và đội ngũ cán bộ có năng lực, có trình độ, đặc biệt là trong việc đưa cán bộ tham gia vào kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng Đông Á. Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị BIDV tham gia với tư cách là Ngân hàng TMCP có vốn của Nhà nước lớn vào đây để giúp thực hiện đề án tái cơ cấu đối với ngân hàng Đông Á. Đồng thời, cũng cử những cán bộ có kinh nghiệm, trình độ, năng lực để từ đó có thể sớm đưa ngân hàng Đông Á đi vào hoạt động ổn định và phát triển bền vững.
* Đối với các tổ chức tín dụng thì những trường hợp nào sẽ bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Theo khoản 3, điều 46, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, nếu tổ chức tín dụng bị 1 trong 5 vấn đề sau thì sẽ bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Thứ nhất, có nguy cơ mất khả năng chi trả. Thứ hai, nợ không có khả năng thu hồi, hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Thứ ba, tổ chức tín dụng lỗ lũy kế trên 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất. Thứ tư, hai năm liền bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Và thứ năm, không duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn 1 năm liên tục, hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu dưới 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.
* Cám ơn ông