Ký kết hợp tác hỗ trợ vốn giữa 8 ngân hàng thương mại với 28 doanh nghiệp của thành phố

(VOH) - Ngày 11/4, UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2013, triển khai chương trình bình ổn giá năm 2014 và sơ kết chương trình Hợp tác thương mại giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông -Tây Nam bộ năm 2013, kế hoạch triển khai 2014.

Chương trình bình ổn thị trường TPHCM không dừng lại ở việc giữ ổn định giá cả, việc đảm bảo cung cầu hàng hoá 25%-70% nhu cầu thị trường là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Năm 2013 là năm đầu tiên thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo chiều hướng mở rộng quy mô, không sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp mà thay vào đó là sự đồng hành giữa doanh nghiệp và các ngân hàng, trong đó ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường góp phần thành công cho chương trình bình ổn thị trường.

Ông Nguyễn Phước Thanh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của ngân hàng và doanh nghiệp: "Sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp với lãi suất 6%, một số khoản vay có lãi suất thấp hơn đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp bình ổn trong quá trình sản xuất kinh doanh, quá trình dự trữ hàng hóa để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường. 2013 các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cam kết cho vay 1.960 tỷ đồng cho 59 doanh nghiệp vay, ngắn hạn và trung dài hạn trong đó khoảng gần 900 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa; và gần 1.100 tỷ đồng cho vay trung dài hạn để đầu tư dự án sản xuất và chăn nuôi; cùng với chương trình kết nối doanh nghiệp thì ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã giải ngân trên 16.000 tỷ đồng với lãi suất hợp lý, từ đó tạo điều kiện cho chương trình phát triển tốt hơn".

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường của thành phố sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tổ chức sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình phải tuân thủ đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đảm bảo số lượng, đồng thời đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.


Ảnh minh họa - Nguồn: PNO.

Tại hội nghị tổng kết, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trao giải nhất trị giá 60 triệu đồng cuộc thi sáng tác logo chương trình bình ổn thị trường TPHCM cho thí sinh Nguyễn Thị Việt Hà - giảng viên trường Đại học Kiến trúc thành phố. Như vậy, năm 2014 logo của chương trình bình ổn sẽ được sử dụng trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh giúp người tiêu dùng nhận diện và phân biệt được hàng hóa của chương trình. Bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: "Chúng tôi sẽ triển khai đến từng doanh nghiệp và tùy điều kiện của từng doanh nghiệp, khi sử dụng cho tuyên truyền, quảng bá thì dễ nhưng khi in lên bao bì sản phẩm thì đòi hỏi sự gia công của doanh nghiệp, cho nên là khi công bố logo hôm nay thì doanh nghiệp đều có thể sử dụng, chúng tôi sẽ triển khai cụ thể, nắm tình hình các doanh nghiệp đăng ký để sử dụng ngay. Lợi ích của logo này là khẳng định thương hiệu của bình ổn thị trường vì chương trình bình ổn thị trường đã trải qua 12 năm. Hiện nay các doanh nghiệp đang tham gia chương trình, kể cả sản phẩm tham gia chương trình ngày càng có uy tín trên thương trường và được người tiêu dùng biết đến”.

Trong năm 2014, TPHCM tiếp tục thực hiện song song 4 chương trình bình ổn thị trường: lương thực - thực phẩm thiết yếu, sữa, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2014 và dược phẩm thiết yếu. Các doanh nghiệp tham gia chương trình được hỗ trợ vốn thông qua lễ ký kết giữa 8 ngân hàng thương mại với 28 doanh nghiệp của thành phố.

Bình luận