Tiêu điểm: Nhân Humanity

Làn sóng mua bán sáp nhập sẽ sôi động hơn

(VOH) - Năm 2014, Việt Nam có 313 thương vụ mua bán sáp nhập với giá trị các thương vụ đạt khoảng 4,2 tỉ USD và con số này không ngừng gia tăng.

Dòng vốn mới chạy vào thị trường Việt Nam qua các thương vụ mua bán sáp nhập giai đoạn 2014- 2018 có thể lên tới 20 tỷ USD. (ảnh minh họa: TPO)

Nhiều yếu tố thúc đẩy việc mua bán sáp nhập

Với sự phục hồi kinh tế vĩ mô, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Cùng với đó là nhiều luật mới liên quan đến kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở,… thị truờng mua bán, sáp nhập được giới chuyên gia dự báo sẽ bước vào giai đoạn sôi động thực sự bắt đầu từ nửa cuối năm nay.

Nhiều đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp lớn trong các ngành giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm... Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, là những yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. “Rõ ràng, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì cũng tương đối dè dặt trong thời gian qua vì họ cũng chưa biết khả năng thành công là như thế nào nên họ cũng có lộ trình cho từng giao dịch. Tuy nhiên, một khi giao dịch đầu tiên thành công thì đến giao dịch thứ 2, thứ 3, giá trị sẽ lớn hơn, tăng nhanh hơn”, Chuyên gia kinh tế, Cấn Văn Lực, nhận định.

Với thị trường chứng khoán, việc chính thức nới tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài bằng Nghị định số 60 năm 2015 là minh chứng thể hiện cam kết cải cách của Chính phủ trong hội nhập quốc tế. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho rằng sự hồi phục của thị trường chứng khoán và những cải cách về chính sách của Chính phủ liên quan đến thị trường chứng khoán, trong đó có Nghị định 60 về nới room, cũng như quá trình tái cấu trúc trên 4 trụ cột của thị trường chứng khoán đang đi vào giai đoạn thực chất. Nhóm nhân tố cuối cùng là diễn biến và sự dịch chuyển của nguồn vốn quốc tế cũng tạo ra sự thách thức và cơ hội rất to lớn. Nếu chúng ta nắm bắt được những cơ hội này thì có thể thu hút dòng vốn và thúc đẩy hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) ở Việt Nam.

Một yếu tố thực tế khác đang thúc đẩy thị trường mua bán sáp nhập đó là xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp lựa chọn mua bán sáp nhập như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững. Cùng với việc triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, sẽ thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo tiền đề để thu hút các dòng vốn mới và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời làm phong phú các hình thức đầu tư phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa. “Nếu muốn phát triển thì phải mở ra, chấp nhận sự cạnh tranh rất mạnh từ doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam phải chuyên nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người mua hơn. Như vậy sẽ trở thành thị trường cạnh tranh lành mạnh, tốt hơn. Và nếu nhìn xa hơn nữa, ngày nào đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể ra nước ngoài để trở thành người mua”, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital, nói.

Tạo sự cạnh tranh để doanh nghiệp vươn lên

Hoạt động mua bán sáp nhập đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây còn là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tái cấu trúc lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. “Chúng ta nên nhìn nhận đi vào chiều sâu của bản chất vấn đề. Doanh nghiệp đầu tư thì họ vẫn ở đây, vẫn tạo ra công ăn việc làm, lại mang được văn minh thương mại và được quản trị tốt hơn. Ngoài ra, ở mặt nào đó cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn lên, nâng cao giá trị doanh nghiệp”, Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm nay lượng giao dịch các thương vụ mua bán sáp nhập ở thị trường trong nước chiếm khoảng 75% tổng lượng giao dịch của cả năm ngoái 2014 và chiều hướng cho thấy các giao dịch mua bán sáp nhập sẽ còn tiếp diễn. Dự đoán của giới chuyên gia, dòng vốn mới chạy vào thị trường Việt Nam qua các thương vụ mua bán sáp nhập giai đoạn 2014- 2018 có thể lên tới 20 tỷ USD./.

Bình luận