Làng nghề nông nghiệp ở TPHCM bây giờ ra sao?

(VOH) - TPHCM có 64 làng nghề thủ công truyền thống và trong lĩnh vực nông nghiệp thì hiện mới có 4 làng nghề được chính thức công nhận. Đó là làng nghề cá sấu Sài Gòn - quận 12, làng muối Lý Nhơn- huyện Cần Giờ, bánh tráng Phú Hòa Đông và đan lát xã Thái Mỹ đều ở Củ Chi. Các làng nghề ở TPHCM tạo ra giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên từ thực tế cũng còn một số khó khăn cần tháo gỡ để làng nghề đủ sức phát triển.

Nhắc đến làng nghề nông nghiệp, TPHCM hiện còn nhiều địa điểm khác như làng nghề hoa kiểng ở Gò Vấp và Thủ Đức, làng nhang Bình Chánh... Tuy nhiên, sở dĩ 4 làng nghề nêu trên được lựa chọn bởi có truyền thống lâu đời và tiềm năng sản xuất, như ý kiến của bà Hoàng Thị Mai - Chi cục phó Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố - đơn vị đóng vai trò tư vấn hỗ trợ cho các làng nghề: "Ngành nghề hoạt động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị của thành phố. Bao gồm sản xuất bánh tráng, đan lát, hoa cây kiểng, cá cảnh. Với các làng nghề này thì cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là 4 làng nghề nằm trong đề án phát triển 4 làng nghề đã được UBND TPHCM phê duyệt".

Đến xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi hiện nay, bên cạnh diện mạo làng quê có nhiều chuyển biến khởi sắc, nghề tráng bánh thủ công nơi đây giờ đã được thay thế bằng máy móc hiện đại và hình thành HTX làng nghề tráng bánh Phú Hòa Đông. Những người trong làng nghề cho biết, phải đến 20 người thì mới có 1 người còn tráng bánh thủ công. Từ năm 2009 thì tổng doanh thu làng nghề đã vượt mốc 50 tỷ

 đồng. Bà Phạm Thị Hằng - chủ một cơ sở tráng bánh nằm trong HTX làng nghề tráng bánh Phú Hòa Đông phân tích: "Tráng tay chỉ có người lớn thôi, còn lớp nhỏ thì chủ yếu làm xí nghiệp. Còn những cơ sở có xuất khẩu hoặc thị trường lớn, sản xuất một lần 500kg để ra thành phẩm xuất khẩu. Nói chung phải có nguồn tiêu thụ thì mới lắp đặt máy để tiêu thụ cho bên xuất khẩu". Tương tự, cải tiến quy trình sản xuất cũng diễn ra tại làng muối Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Vẫn là những cánh đồng với bờ đê gồ ghề, ao nước xâm xấp và ụ muối cao hơn đầu người, nhưng diện tích muối trải bạt ngày càng được mở rộng một cách “âm thầm”, “xâm lấn” và thay thế mô hình sản xuất muối đất truyền thống. Song song đó, HTX muối Tiến Thành ra đời “gánh vác” vai trò đã bị bỏ trống bấy lâu: ổn định quá trình thu mua và tìm đầu ra cho bà con. Ông Mai Văn Bon - một người làm nghề muối lâu năm và cũng là xã viên HTX chia sẻ: "Nói chung muối trải bạt sạch hơn, bán có giá hơn, tiết kiệm công lao động. Ban đầu thì vốn làm bạt quá cao, nhưng giờ có chương trình hỗ trợ như vậy thì quá được". Trở lại với huyện Củ Chi, mọi người có thể bị “đánh lừa” với suy nghĩ “vẫn không có gì thay đổi” - khi nhìn thấy những chiếc rỗ rá bằng tre nứa thân quen, được chất bên ngoài các cơ sở đan lát ở Thái Mỹ. Thật ra, phải vào đến bên trong và chứng kiến hàng chục thiết bị trị giá từ 5 - 10 triệu đồng đang “bung” hết công suất, nhiều người mới “sực tỉnh” nhớ ra: đây là làng nghề Thái Mỹ - “phiên bản” năm 2012. Thực tế 5 năm trước đây, làng nghề đã bắt đầu mạnh tay đầu tư thiết bị máy móc chuyên dụng với cơ sở truyền thống lâu đời của bà Lê Thị Huých chuyên về xuất khẩu, còn thị trường trong nước là HTX Út Ngán. Những đầu mối này còn nhận thu mua sản phẩm của bà con trong xã. Bà Lê Thị Huých kể chuyện vay vốn mở rộng sản xuất trong thời gian tới: "Họ thì hỗ trợ dữ lắm. Bữa tôi xuống Phòng kinh tế vay 300 triệu làm nhà kho. Bên ngân hàng hỏi vay sửa chữa vậy còn vốn sản xuất nữa thì sao. Thấy nói vậy thôi tôi cũng vay thêm 200 riệu nữa thành 500 triệu".


Thu hoạch muối sạch ở làng muối Lý Nhơn - Cần Giờ - Ảnh: CCPTNT

Dấu ấn của công tác quản lý Nhà nước đối với làng nghề nông nghiệp thể hiện rõ nét nhất ở khâu hỗ trợ thủ tục, xây dựng mối quan hệ và định hướng phát triển. Như giai đoạn 2006 - 2007, Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố “chạy đua với thời gian” để HTX làng nghề tráng bánh Phú Hòa Đông đủ điều kiện thành lập và kịp ký hợp đồng với Metro, Coop Mart. Hay tại làng nghề cá sấu Sài Gòn ở khu vực phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc quận 12, ngành nông nghiệp thành phố đã cấp mã “xít” (Cites) thành công cho hàng chục ngàn con cá sấu. Chỉ trong vòng 5 năm, các hộ nuôi nhỏ lẻ làng nghề cá sấu Sài Gòn gần như biến mất và thay vào đó là HTX cá sấu Hoa Cà - nay đã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Từng theo sát quá trình này, ông Lê Thành Hiếu - Chủ tịch Hội nông dân phường Thạnh Lộc, quận 12 nói: "Hồi trước đây công ty chỉ khoảng 30 - 40 công nhân thôi, nhưng giờ tăng lên thành cả trăm người rồi. Tức là đang quá trình phát triển mạnh và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Chiếm hơn 50% là con em tại địa phương".

Cả 4 làng nghề trọng điểm có điểm chung là giảm quy mô số lượng lao động nhưng về năng suất, giá trị kinh tế tính trên đơn vị diện tích thì tăng vọt. Cụ thể, với hộ tráng bánh bằng máy chỉ cần 1.000m2 sẽ thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng/tháng. Hay một sản phẩm làm từ da cá sấu có giá trị bình quân từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, tương đương giá bán một con cá sấu mà bà con bỏ nhiều công sức, thời gian chăm sóc như trước đây. Thành phố hiện cũng khá “mát tay” khi phục hồi được làng nghề hoa kiểng ở Gò Vấp và Thủ Đức. Làng nhang Bình Chánh cũng được duy trì khi góp phần giảm nghèo cho địa phương... Tuy vậy,  quá trình đô thị hóa đã gạt sang bên lề nhiều làng nghề khác như làng thủ công mỹ nghệ ở Trung Chánh - huyện Hóc Môn, làng dệt chiếu ở Bình Chánh, làng sơn mài Bình Mỹ... Mặt khác, chi phí chuyển đổi khá tốn kém khi một hệ thống tráng bánh “ngốn” hết 3 t đồng, làm muối trải bạt phải tốn vài trăm triệu. Đó là chưa kể chuyện giá cả trồi sụt thất thường. Nhưng trên hết, vấn đề ô nhiễm môi trường mang đến nhiều nguy cơ nhất. Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục phó Chi cục Phát triển Nông thôn cho biết: "Các làng nghề với cơ sở sản xuất thủ công, máy móc lạc hậu thì chắc chắn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì chi phí khắc phục khá tốn kém, sẽ ảnh hưởng đến giá thành nên các hộ khó tự giác thực hiện". Chia sẻ quan điểm này, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhận định tình hình kinh tế đang khó khăn sẽ càng tạo nhiều áp lực cho các làng nghề truyền thống trên cả nước: "Bây giờ đó là vấn đề chung của xã hội và đặc biệt thế giới đang khó khăn về tài chính. Đất nước ta chính trong lúc này phải liên kết lại với nhau. Và chúng ta cần liên kết 4 nhà, trong đó nhà khoa học phải phát triển công nghệ nhanh lên, để chúng ta giải quyết vấn đề môi trường, mẫu mã và nhân lực".

Làng nghề nông nghiệp truyền thống là bộ phận không thể tách rời trong đời sống làng quê nông thôn Việt Nam và càng phải được giữ gìn, phát huy khi xây dựng Nông thôn mới. Những mặt trái trong phát triển làng nghề hiện nay cần được ban ngành chức năng nhìn nhận đúng đắn và sớm có biện pháp hỗ trợ hoặc giải quyết triệt để. Một khi thành phố đã quyết tâm đẩy mạnh quá trình xây dựng Nông thôn mới hiện nay thì làng nghề nông nghiệp truyền thống chắc chắn cũng sẽ song hành cùng chặng đường nhiều thách thức này.