Vịnh Hạ Long đang là điểm đến được du khách ưa thích (Ảnh minh họa: mytour)
Tại hội nghị, TPHCM và các bên đã cam kết xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường liên kết khu vực, tạo điều kiện cho các tỉnh phía Bắc tiếp cận với thị trường hơn 10 triệu dân của TPHCM và 27 triệu dân của một số tỉnh lân cận.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành Du lịch TPHCM đã có kế hoạch thể hiện vai trò trung tâm và chủ đạo của mình trong kết nối du lịch.
Phóng viên VOH phỏng vấn ông Lã Quốc Khánh - PGĐ Sở Du lịch xung quanh vấn đề này.
* Kỳ vọng của các bên thông qua Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với Quảng Ninh và một số tỉnh thành phía Bắc như thế nào thưa ông?
Ông Lã Quốc Khánh: Mục đích của Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM – Quảng Ninh và một số tỉnh ở khu vực Đông Bắc là làm sao để chúng ta có thể giới thiệu sức hấp dẫn của cả khu vực vùng Đông Bắc tại thị trường TPHCM.
TPHCM là một thị trường lớn và hấp dẫn nhất Việt Nam với mức thu nhập cao. Lợi thế này chính là động lực để thúc đẩy khách du lịch đến Vùng Đông Bắc, trong đó điểm nhấn Quảng Ninh là mục đích mà hội nghị hợp tác này hướng đến.
Chính vì vậy, lãnh đạo 7 tỉnh và TPHCM đã họp bàn, trao đổi, phân tích về ưu điểm và hạn chế rồi đánh giá lại những hạn chế tồn tại trong việc hợp tác trước đây. Trong tình hình mới, với sự đầu tư mới, đặc biệt là triển vọng của cả vùng Đông Bắc khi có sự liên kết có thể tạo ra những chương trình tham quan, du lịch có sức hấp dẫn cao hơn.
* Ông nói rõ hơn về vai trò của TPHCM trong mối liên kết này?
Ông Lã Quốc Khánh: TPHCM có ưu thế là nhiều đơn vị lữ hành chuyên nghiệp, có năng lực, kinh nghiệm và kiến thức. Chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh khu vực Đông Bắc bằng cách cùng tham gia khảo sát, đánh giá các điểm mạnh, hạn chế, phân tích sau đó thiết kế các chương trình tham quan du lịch, đồng thời đặt ra yêu cầu nâng cao mức độ dịch vụ, điều chỉnh lại các sản phẩm để phục vụ cho thị hiếu của du khách.
Trên cơ sở đó chúng ta sẽ xây dựng các sản phẩm mới có sức hấp dẫn. Chúng ta cũng hoàn chỉnh lại mức độ dịch vụ và các sản phẩm ở điểm đến. Và thứ ba nữa là chúng ta tạo điều kiện cho các tỉnh khu vực Đông Bắc giới thiệu các sản phẩm mới, dịch vụ mới, hình ảnh mới, diện mạo mới của các điểm đến đó tại thị trường TPHCM và các vùng lân cận.
* Các bên đã ký kết “Biên bản thỏa thuận về chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Nình với một số tỉnh thành phía Bắc với TPHCM. Nội dung cụ thể của biên bản này như thế nào thưa ông?
Ông Lã Quốc Khánh: Trước hết, chúng ta phải ký kết với nhau những nội dung mà các bên đã bàn bạc, trao đổi và đã ký kết là phải cố gắng triển khai trong thực tiễn chứ không chỉ tồn tại trên giấy tờ, văn bản.
Thứ hai, đã có sự cam kết giữa 2 bên đó là ngành Du lịch TPHCM đóng vai trò đầu đàn và là trung tâm du lịch lớn nhất. Như vậy, chúng ta phải giúp đỡ, hỗ trợ các tỉnh này hoàn chỉnh và phát triển các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng thị hiếu du khách, tạo điều kiện và bắt tay với nhau, nhất là các doanh nghiệp du lịch 2 bên phải thực hiện những gì đã cam kết.
TPHCM sẽ làm tốt công tác truyền thông, vận động khuyến khích và hợp tác với các hãng cung ứng vận chuyển về hàng không, từ đó chúng ta tạo ra được cầu hàng không thuận lợi từ TPHCM đến các vùng Đông Bắc.
Các doanh nghiệp ở TPHCM phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khu vực Đông Bắc tiếp thị. Ngược lại, các điểm đến phải tự mình hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, phải gìn giữ được môi trường về giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh an toàn cho du khách.
Lần này, việc ký kết giữa Quảng Ninh với TPHCM, TPHCM với các tỉnh khu vực Đông Bắc mang tính chất sát với thực tiễn, gắn với hơi thở của các doanh nghiệp trong hoạt động du lịch.
* Việc ký kết phát triển du lịch của Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc có khác gì những liên kết trước đó như với khu vực Tây Bắc, hay liên kết phát triển tam giác du lịch TPHCM – Phan Thiết – Đà Lạt? Các doanh nghiệp và du khách TPHCM được những ưu đãi gì từ sự liên kết này?
Ông Lã Quốc Khánh: Việc liên kết này có những điểm giống và khác. Giống ở chỗ cùng là sự liên kết để khai thác được ở thị trường này, nâng cao sức hấp dẫn ở điểm đến kia. Thông qua các biện pháp tiếp thị, hỗ trợ về quảng bá xúc tiến để chúng ta nâng lên nhưng khác nhau là do thực tiễn của tình hình cụ thể mỗi địa phương.
Tôi cho rằng, các tỉnh ở phía Bắc hiện nay đang đứng trước một triển vọng rất xán lạn. Đặc biệt là hạ tầng cơ sở về giao thông, đường cao tốc và sự gắn kết giữa các địa phương. Trong đó, 2 địa phương quan trọng là Hải Phòng và Quảng Ninh đang trở thành xương sống, là điểm nhấn của cả khu vực Đông Bắc, các tỉnh có cửa khẩu thông thương với khu vực biên giới. Đấy chính là các thế mạnh ở khu vực này.
Nếu làm tốt việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ở tại điểm đến thì chắc chắn chúng ta khai thác tốt, thúc đẩy phát triển du lịch chung của toàn vùng. Việc thiết kế lại sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch tại điểm đến, tại thị trường thì nhu cầu sẽ có. Khi đó, các chuyến bay, tần suất bay sẽ tăng lên. Tầng suất tăng lên thì chúng ta sẽ tính toán lại giá cả hợp lý, trên cơ sở đó nó sẽ hỗ trợ lại cho hoạt động du lịch.
* Cảm ơn ông.