Lối thoát cho nông sản Việt: những yêu cầu thiết yếu cả ngành nông nghiệp

(VOH) - Trong những năm qua, nền nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển tích cực. Nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao đứng hàng nhất nhì thế giới.

Tuy nhiên, nông sản thường phải đối mặt với điệp khúc “được mùa mất giá”, trong khi chi phí đầu tư cho sản xuất lại ngày một tăng, đẩy nông dân vào hoàn cảnh khó khăn. 

Bài 1: Điểm nghẽn của ngành nông nghiệp Việt Nam

Vì vậy, việc tìm lối thoát cho nông sản Việt đang là một yêu cầu cực kỳ quan trọng của ngành nông nghiệp và để giải quyết bài toán này rất cần một giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược.

Nông dân Việt Nam có thể tự hào mình là người góp phần tạo ra cánh đồng, mảnh vườn, góc bếp cho thế giới. Còn trong nước họ luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế nước nhà trong những năm khủng hoảng. Năm qua, họ đem về cho đất nước hơn 27,5 tỷ đô la Mỹ. Nhưng xót xa thay, họ lại luôn phải đối mặt với sự bấp bênh của đầu ra sản phẩm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo tài chính năm 2013, bình quân GDP trong nông nghiệp chỉ đạt 200 đôla Mỹ 1 người/năm, trong khi GDP bình quân cả nước gần 1.950 đô la Mỹ 1 người/năm. Vậy đâu là điểm nghẽn của ngành nông nghiệp và giải quyết thực trạng này ra sao ?

Hiện nay có một thực tế hầu như mọi chủ trương chính sách đầu tư vào nông nghiệp đều chưa thật cụ thể và chưa sát với tình hình thực tế. Đa số hướng vào tập trung sản xuất ra số lượng càng nhiều càng tốt, chưa chú trọng nhiều và sâu tới chất lượng, đầu ra cho sản phẩm. Vậy nên mới dẫn đến tình trạng rau phải đổ cho bò ăn, 10kg dưa hấu mới mua được 1 ly cà phê, 10kg thanh long ruột đỏ mới mua được 1 tô phở và kể cả cây lúa cũng vậy. Nếu tính hiệu quả kinh tế thì tăng trưởng về sản lượng cũng không bù được giá trị từ nông sản chất lượng cao mang lại. Ý kiến của những nông dân trồng thanh long, lúa, trồng chôm chôm:

 

 

Điệp khúc "trồng ồ ạt, chặt thần tốc" luôn diễn ra chứ không phải khi quan hệ giữa ta và nước láng giềng "có vấn đề" thì câu chuyện "được mùa, rớt giá" của sản phẩm nông nghiệp mới diễn ra. Câu chuyện này không chỉ khiến nông dân thua lỗ mà nền kinh tế cũng bị thiệt hại đáng kể.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch, mạnh về xuất thô mà không chủ động trong khâu chế biến tức là công nghệ sau thu hoạch kém và khâu phân phối yếu... chỉ ỷ lại vào thị trường gần gũi, dễ tính. Nhưng nguyên nhân cốt lõi vẫn là bất cập từ khâu thị trường.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Trần Du lịch nhấn mạnh:

 

 

Thị trường là khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị nông sản nhưng lại là khâu quyết định tất cả. Nhưng do doanh nghiệp Việt Nam không "bắt" được tín hiệu thị trường nên không thể chuyển thông tin này ngược lại cho người sản xuất. Hay nói cách khác là mối liên kết quá yếu giữa khâu sản xuất và khâu phân phối. Hai khâu này lại nằm ở hai Bộ khác nhau dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lo sản xuất, nhưng sản xuất không theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bộ Công Thương thì chỉ biết bán hàng và mua những gì có lời ngay thời điểm đó. Hai Bộ quan trọng trong chuỗi giá trị rõ ràng là đã không gặp nhau và hệ quả cuối cùng là tạo nên một nền kinh tế thiếu chủ động. Tất cả chỉ trông chờ vào thương lái trong nước và nước ngoài, nên chỉ cần họ dừng mua hàng, nông dân và doanh nghiệp lãnh đủ.

Lối ra cho nông sản Việt: những yêu cầu thiết yếu cả ngành nông nghiệp 1
Giá thu mua thấp, nông dân ở xã Tịnh Trà, Quảng Ngãi bỏ dưa hấu cho gia súc ăn (Ảnh: VnExpress)

 

TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phân tích:

 

 

Có thể nói, nguyên nhân mấu chốt này đã được nhận diện từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực sự căn cơ bền vững. Kể cả mô hình cánh đồng mẫu lớn hay mối liên kết 4 nhà, đã được nhà nước quan tâm đầu tư nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Ngay cả liên kết ngang giữa nông dân với nông dân đã khó, nói chi đến việc liên kết dọc giữa nhà nông và doanh nghiệp. TS Hoàng Quốc Tuấn, Phân Viện trưởng Viện Quy hoạch nông nghiệp miền Nam nhìn nhận:

 

 

Cũng vì câu chuyện thiếu liên kết nên chưa doanh nghiệp hạt nhân nào hay "con sếu đầu đàn nào" về với nông thôn. PGS-TS Phạm Tất Thắng, Chuyên viên nghiên cứu của Bộ Công Thương cho rằng:

 

 

Từ những điểm nghẽn trên đã làm cho chúng ta chậm trễ trong vấn đề đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhất là công nghệ sinh học về giống cây, giống con... Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam thiếu kho tạm trữ hàng hóa, thiếu công nghệ bảo quản sau thu hoạch và thiếu cả của thương hiệu nông sản mang tầm quốc gia.

Qua thực tiễn cho thấy dù nguyên nhân nào thì cũng có điểm chung là nông dân và doanh nghiệp đều chậm cải tiến, chậm tiếp cận cái mới trong sản xuất và kinh doanh, dẫn đến giá thành nông sản cao, chất lượng thấp, hàng sản xuất ra không có thị trường, hoặc chỉ có một thị trường duy nhất, dẫn đến tình trạng độc quyền thương mại, tùy tiện ép giá... Cũng chính vì thế nên giá nông sản của Việt Nam thường thấp nhất thế giới nếu so với cùng một loại sản phẩm, còn nông dân Việt Nam từ nhiều thập kỷ nay vẫn lao đao vì tình trạng "được mùa, rớt giá". Do vậy rất cần phải thay đổi, bởi đó là yêu cầu tất yếu.