Lũ không về, nỗi lo mất mùa đè nặng nông dân

(VOH) - Những ngày này, nông dân các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL xuống giống vụ Đông Xuân trong sự chật vật trong khi bà con nuôi trồng thủy sản đứng ngồi không yên vì thiếu…lũ.

Năm nay lượng nước lũ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm còn 60-65% so với trung bình các năm trước.

Nguyên nhân là hiện tượng El Nino và tình trạng biến đổi khí hậu. Ở thượng nguồn, lượng mưa giảm nhiều. Một lý do khác là hồ đập ở Trung Quốc, Lào tích trữ nước dẫn tới lũ ở ĐBSCL ngày càng thấp.

Người dân lo… không còn mùa nước nổi

Mùa nước nổi hàng năm mang lại nhiều lợi ích cho bà con ĐBSCL. Tại các huyện - thị xã - thành phố các tỉnh Đồng Tháp, An Giang…,hàng ngàn hộ dân nuôi tôm, cá; trồng ấu, rau nhút, bồn bồn, điên điển, bông súng, bông sen... nhờ mùa nước nổi mà sống. 

Tuy nhiên, hiện bà con lại đứng trước nỗi lo không còn mùa nước nổi.

Nông dân Nguyễn Thị Hạnh nuôi tôm ở tỉnh Đồng Tháp buồn rầu, thiếu lũ nên tôm không phát triển như trước đây. Giá tôm xuống thấp nên để lại không xong mà bán đi thì chắc chắn lỗ.

“Tôm nuôi ở đồng thì phải tháng 10 nhưng giờ không có nước; nuôi ở hầm hao hụt hoài. Giờ  kêu bán mà người mua chỉ hứa chứ chẳng đến” – chị Hạnh than.

Nông dân Nguyễn Văn Giữ ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, nếu trước đây có lũ, lúa đạt 1,1 tấn/công thì nay chỉ còn 700kg/công, có hộ dưới 500 kg/công, trong khi chi phí phân bón, bơm tưới cao hơn. Tính ra trồng lúa bị thiệt hại kép.

“An Giang nằm ở đầu nguồn, hàng năm lũ về mang phù sa, nước lên 4-5 tấc làm trôi, loãng phèn, chất độc trong đất. Năm nay nước lũ không về, bất lợi cho nông dân về sâu bệnh trên lúa...” – ông Giữ tâm sự.

Dân trồng lúa thiệt hại vì thiếu lũ (Ảnh minh họa: Dân Việt)

Thiệt hại đủ bề vì thiếu nước

Theo thông lệ, tháng 7, 8, 9 âm lịch là mùa nước nổi ở vùng ĐBSCL. Thời điểm này là mùa làm ăn của nghề khai thác thủy sản, trồng cây thủy sinh; các làng nghề đóng ghe xuồng, làm lưới cá, lờ, lưỡi câu, nuôi cá đăng quần… nhưng năm nay bà con mất trắng.

Không có lũ, các tỉnh ĐBSCL mất đi hàng trăm tỷ đồng nguồn lợi từ thủy sản và chắc chắn sẽ có nhiều hộ dân rơi vào tái nghèo. Lũ không về còn gây ra tình trạng thiếu lượng phù sa, nguy cơ mất mùa, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại tỉnh Long An, bà con đang tập trung cho vụ Đông Xuân, vụ chính trong năm - mang lại nhiều lợi nhuận bởi vì năng suất và chất lượng lúa cao hơn. Tuy nhiên, nước trên đồng cạn kiệt ngay trong mùa lũ, tình hình thời tiết, thủy văn bất lợi và bất thường gây ra không ít khó khăn.

“Năm nay ở Đồng Tháp Mười lũ rất nhỏ, chỉ có vùng trũng 4,5 tấc nước còn vùng cao không có nước, khi cày xong là cỏ lên toàn bộ nên khó khăn cho vụ đông xuân”, bà Lương Ngọc Diệp ở thị xã Kiến Tường tâm tư.

Tuân thủ lịch xuống giống, chủ động chuyển đổi cây trồng vật nuôi

Theo quan trắc của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu thấp hơn trung bình cùng kỳ từ 1,1 mét đến 1,4 mét và là mức thấp nhất tính từ năm 1926 trở lại đây.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - chuyên gia dự báo thời tiết và thủy văn cảnh báo: “Năm rồi, không có lũ, mực nước quá thấp do vậy lượng mưa cũng hụt trong những tháng mùa mưa. Bây giờ mới bắt đầu mùa khô, tuy có mưa trái mùa nhưng trên diện hẹp, khô hạn tiếp tục xảy ra và khá gay gắt, gây khó khăn cho vụ Đông Xuân. Xâm nhập mặn xuất hiện sớm và hiện tượng thời tiết bất lợi nên cần phải hết sức lưu ý đề phòng”.

Nước lũ năm nay không về là bất lợi. Vì vậy, các ngành, các cấp địa phương khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt né rầy, vệ sinh đồng ruộng, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học đặc biệt là IPM, ba giảm ba tăng, bón phân theo bảng so màu lá lúa… 

Một số vùng thời tiết, thủy văn không thuận lợi cho cây lúa cần tăng cường các biện pháp chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích hợp, chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu gay gắt hiện nay.