Luật doanh nghiệp - Nâng cao quyền lợi và trách nhiệm doanh nghiệp

(VOH) - Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa 13, ngày 10/10, thường trực đoàn đại biểu Quốc hội do ông Trần Du Lịch, Phó đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo góp ý cho dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã được chỉnh lý.

Đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Nguồn: Sở KHĐT TP

Theo ông Trần Du Lịch, Luật doanh nghiệp có sự gắn bó chặt chẽ với Luật đầu tư. Về điều kiện kinh doanh cũng tương đương với điều kiện đầu tư nên luật này không quy định nữa, chuyển qua Luật đầu tư. Về quy định người đại diện theo pháp luật, tham gia ý kiến đóng góp, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM - ông Lê Hoàng Châu cho rằng: "Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, điều 14, thì có những doanh nghiệp được góp vốn bởi nhiều đối tượng và trong đó có phân công từng người chịu trách nhiệm cụ thể, cho nên tranh tụng trước tòa án hoặc trọng tài kinh tế mà chỉ có 1 người đại diện thì không hợp lý. Do đó, trong luật kỳ này, chúng tôi thấy rất hay là có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật, điều này cũng do nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng phải quy định là có đăng ký những người đại diện trong điều lệ và đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư".

Về vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, ông Lê Đình Hiếu, đại diện Sở Công Thương TPHCM, lại có ý kiến ngược lại, nên sử dụng chế độ ủy quyền thì hợp lý hơn việc quy định có nhiều người đại diện theo pháp luật: "Nếu doanh nghiệp có hơn 2 đại diện trước pháp luật, khi làm việc trước đối tác, đặt tình huống là 2 đại diện này ký cùng một vấn đề nhưng nội dung mâu thuẫn nhau hoặc ý kiến xung đột nhau thì giải quyết như thế nào, lúc đó ý kiến người nào chi phối người nào và pháp luật sẽ xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp đó theo ý kiến người nào. Đề nghị dự thảo cân nhắc kỹ điều này, bởi vì chúng ta có cơ chế ủy quyền".

Ngoài ra, đa số đại biểu tham dự hội thảo đồng tình với việc không ghi nội dung đăng ký kinh doanh, để doanh nghiệp phải có sự chủ động tự giới thiệu mình, đối tác có thể tìm hiểu nhau qua báo cáo thuế, các kết quả kinh doanh trên cơ sở dữ liệu quốc gia; quy định con dấu là tài sản của doanh nghiệp và bỏ về quy định cấp con dấu cho doanh nghiệp mà để doanh nghiệp tự quyết định về hình thức và nội dung con dấu. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu, tránh tình trạng làm nhái, giả con dấu. Theo đánh giá chung: đây là những đột phá của Luật doanh nghiệp tạo điều kiện nâng cao quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trước pháp luật. "Các ý kiến nêu ra chủ yếu làm chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký công ty… sẽ nghiên cứu thêm. Tôi đề nghị từ nay đến trước 20/10, các đơn vị, các công ty, doanh nghiệp có thêm ý kiến bổ sung thêm cho đoàn. Riêng Sở Kế hoạch Đầu tư, tôi đề nghị: Đây là luật có tác động rất lớn đối với TPHCM, nếu thấy còn vấn đề gì băn khoăn thì có văn bản chính thức, hy vọng cuối tháng 11 khi luật đưa vào áp dụng sẽ cải thiện được môi trường đầu tư", ông Trần Du Lịch kết luận.

Bình luận