Miền Đông Nam Bộ là thị trường tiềm năng về bán lẻ hàng hóa

(VOH) - Chiều 29/8, tại Đồng Nai, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo- triển lãm “Kết hợp hành động- tận dụng cơ hội phát triển thị trường miền Đông”, đến tham dự có bà Hồ Thị Kim Thoa- Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Lê Bá Trình- Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đại biểu đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại diện các doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiệp hội ngành nghề, ban quản lý các chợ.
Tại hội thảo, Sở Công thương 6 tỉnh thành miền Đông Nam Bộ, bao gồm: TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đã báo cáo sơ kết về hoạt động sáu tháng kể từ lần ký kết hợp tác đến nay. Miền Đông Nam Bộ là khu vực có tiềm năng lớn về thị trường với mức tiêu thụ bình quân chiếm 33,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; mức sống bình quân của người dân cao, do vậy mức chi tiêu chiếm 71,5% tổng thu nhập của mỗi người. Đây là tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khai thác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Một cảnh mua bán đông đúc chụp tại Hội chợ HVNCLC Đồng Nai năm 2011.

Hiện khu vực này có 2 kênh phân phối hàng hóa chính là chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Vấn đề trọng tâm và quan tâm nhất hiện nay là tăng cường sự kết nối giữa các địa phương để tạo thị trường thông thương, năng động trong vùng. Việc này cần có một giải pháp để chúng ta có thể điều phối và định hướng thị trường, tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức nhằm mở rộng giao lưu và phát triển thị trường. Để kết nối thành công giữa các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ông Lê Văn Dành- Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai nói: "Trước tiên là hàng năm các tỉnh phải có đưa vào chương trình xúc tiến thương mại để có hoạt động về hội thảo kết nối này. Thứ 2 là các câu lạc bộ hàng Việt là đơn vị nồng cốt phối hợp với các tỉnh để làm sao duy trì định kỳ 6 tháng 1 lần hội thảo triển lãm của các tỉnh Đông Nam Bộ, như vậy  qua đó sẽ tạo ra sự kết nối, gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc giữa các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phấn phối trên địa bàn các tỉnh, từ đó có những nhu cầu, yêu cầu để hợp tác phát triển trong vấn đề sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa".
Bình luận