Chờ...

Năm 2015: phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%

(VOH) - Ngày 29/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Hội nghị đã nghe và thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và cả năm 2014. Theo đó, tình hình kinh tế- xã hội trong năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi. Hoàn thành 13/14 chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Quốc hội đã đề ra (1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo). Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tăng 5,98%. Tính chung, 12 tháng năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 13 năm qua. Tuy nhiên, ở đây không có biểu hiện giảm phát. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm mạnh, nguồn cung về lương thực thực phẩm dồi dào nên chỉ số giá của nhóm hàng dịch vụ ăn uống tăng thấp, giá các mặt hàng do nhà nước quản lý được điều chỉnh theo lộ trình hợp lý, thấp hơn so với năm trước và cuối cùng là giá các mặt hàng thiết yếu khác trên thế giới và trong nước cơ bản ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước. Trong năm 2014, cả nước có hơn 74.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đánh giá: "Tình hình kinh tế xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hấu hết các ngành, các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP cao hơn 2 năm trước, sau 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm thì đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra".

Tại phiên thảo luận, đa số các địa phương nhất trí với bản dự thảo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2015. Đồng thời đề xuất các Bộ ngành cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn cụ thể đến các địa phương để Nghị quyết đi vào cuộc sống kịp thời.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội năm 2014 - Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị: "Từ thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của thành phố, cũng như tình hình chung, chúng tôi thấy rằng đã xuất hiện những vấn đề mang tính chất liên vùng, vì vậy chúng tôi kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới, nghiên cứu chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng một bộ khung pháp lý rõ ràng và thể chế hóa hệ thống chính sách cụ thể để phát triển vùng".

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2015, cả nước tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập tung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30- 40% GDP,…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta đã hoàn thành đạt và vượt hầu hết các mục tiêu kinh tế-xã hội của năm 2014. Từ đó, chúng ta đã tạo được tiền đề, điều kiện thuận lợi cho triển vọng năm 2015, chúng ta đạt và vượt kế hoạch cao hơn năm 2014, tạo điều kiện cho chúng ta hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong năm 2015".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ lớn phải tập trung giải quyết trong năm 2015 đó là: cả nước, cả hệ thống chính trị phải chung sức đồng lòng, quyết liệt hành động để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2015, cố gắng đạt kết quả cao nhất của kế hoạch 5 năm. Phải giữ vững được chủ quyền quốc gia đồng thời giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Tăng cường đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cuối cùng là tiến hành tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.