Ngân hàng và cuộc đua cạnh tranh thị trường bán lẻ
![]() |
Hàng loạt ngân hàng Việt Nam đang bước vào cuộc cạnh tranh giành ưu thế trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ. Ảnh: TBNH |
Trong những năm gần đây, các ngân hàng và định chế tài chính tại Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là tỷ suất lợi nhuận giảm, chi phí tăng cao, môi trường cạnh tranh khác nghiệt. Đặc biệt, các khoản vay và tín dụng đổ vào các lĩnh vực hiệu suất thấp, đầu tư sai vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán,… Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định: "Sự phát triển ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại mang yếu tố quyết định đến sự tăng trưởng lành mạnh của thị trường tiền tệ Việt Nam. Bài học đắt giá từ hai cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1998- 1999 và 2007- 2008 cho thấy sai lầm của các ngân hàng thương mại trong việc quá ưu tiên tập trung tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao và nhanh như: bất động sản, chứng khoán,… và lơ là phát triển lĩnh vực bán lẻ, là nơi đem lại sự phát triển ổn định. Nhưng đây cũng là lĩnh vực có nhiều thách thức, đặc biệt về năng lực chuyên môn và trình độ công nghệ thông tin".
Nếu như 10 năm trước đây, ngân hàng bán lẻ chưa có vị trí, nhưng thì vòng 3 năm trở lại đây, ngân hàng bán lẻ đã khẳng định được vị thế của mình. Với những ngân hàng lớn như: Vietcombank, Vietinbank thì huy động vốn từ bán lẻ chiếm hơn 50%, thu dịch vụ chiếm từ 12- 15%, còn các ngân hàng nhỏ hơn huy động vốn chiếm hơn 80%, thu từ dịch vụ bán lẻ chiếm hơn 20%... Trong thị trường thanh toán hiện nay, thẻ và tài khoản ngân hàng phát triển rất lớn, tính đến tháng 6/2013 đạt gần 55 triệu thẻ, mạng lưới thanh toán rộng khắp với hơn 16.000 ATM và hàng trăm nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Với sự phát triển này, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt giảm mạnh chỉ còn 12% trên tổng phương diện thanh toán. Hiện nay, đã có 33 triệu người Việt Nam sử dụng Internet và theo thống kê mới nhất của tổ chức thẻ quốc tế Visa, hơn 70% trong số đó thực hiện giao dịch thương mại điện tử. Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Smartlink, dự báo: "Việc sử dụng các thiết bị di động làm kênh giao dịch thanh toán và kênh giao dịch ngân hàng sẽ tăng rất mạnh. Chúng tôi tin rằng trong vòng 3 năm tới, các dịch vụ như mobilebanking, mobile pos, thiết bị di động,… sẽ dần thay thế các giao dịch truyền thống trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, với sự hạn chế về việc mở chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước thì dịch vụ ngân hàng bán lẻ với tác dụng huy động vốn của mình sẽ càng trở nên hết sức quan trọng đối với ngân hàng trong những năm tới".
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp và chững lại so với những năm trước, các ngân hàng thương mại đã chú trọng nhiều hơn đến lĩnh vực bán lẻ, phát triển những dịch vụ và tiện ích cộng thêm nhằm bảo đảm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cũng như gia tăng lượng khách hàng. Theo đánh giá, Việt Nam là một nước có dân số trẻ, mức thu nhập ngày càng tăng song tỉ lệ người dân sử dụng các sản phẩm ngân hàng vẫn còn hạn chế, chính vì thế Việt Nam luôn được đánh giá là nước có thị trường đầy tiềm năng của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Ông Lê Công, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), chia sẻ: "Hoạt động về thanh toán trong ngân hàng phát triển rất mạnh. Đối với ngân hàng chúng tôi, nếu so với cách đây 3 năm, khối lượng dịch vụ thanh toán tăng 10 lần, trong đó đến 66% là sử dụng các dịch vụ điện tử. Thu nhập từ dịch vụ bán lẻ trong năm 2013 tăng gấp 5 lần so với 2010. Chúng tôi cũng đã xây dựng giải pháp để làm so đến 2015 thì thị trường về dịch vụ bán lẻ tăng gấp đôi và tốc độ tăng dịch vụ bán lẻ hàng năm tối thiểu là 30%".
Mặc dù cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam là rất lớn nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, chúng ta cũng còn một số hạn chế. Để phát triển dịch vụ bán lẻ, phải đầu tư công nghệ lớn, trong khi các ngân hàng của Việt Nam còn bị hạn chế tiềm lực tài chính. Các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng của Việt Nam gần như giống nhau, quá truyền thống và không tạo được sự khác biệt để thu hút khách hàng. Ông Trần Thế Vĩnh, Phó giám đốc khối Marketing, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), cho rằng: "Môi trường của chúng ta cũng có sự cạnh tranh khắc nghiệt với rất nhiều tổ chức ngân hàng và tài chính cùng gia nhập vào thị trường. Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa các đơn vị chưa được thể hiện rõ nét. Để đạt được sự thành công thì mỗi ngân hàng luôn phải tìm cho mình một sự khác biệt, một hướng đi để tạo nên một thương hiệu riêng".
Khi ngân hàng chuyển qua bán lẻ, yêu cầu về các dịch vụ phải mới, đa dạng, nhanh và đơn giản. Với xu hướng này, nhiều chuyên gia dự báo các ngân hàng sẽ buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh thị phần bán lẻ. Trong bối cảnh thị trường ngân hàng có nhiều biến động, yêu cầu khách hàng ngày càng phức tạp và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt thì việc phát triển các lợi thế cạnh tranh thông qua đổi mới kênh phân phối và tối ưu hóa hoạt động sẽ giúp các ngân hàng bán lẻ đứng vững và phát triển trong tình hình mới./.