028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

Ngành hóa dược loay hoay tìm giải pháp

(VOH) - Có một thực tế hiện nay, nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, có đến 90% hoá chất cho công nghiệp hoá dược phải nhập khẩu từ nước ngoài, điều này khiến doanh nghiệp thua lỗ triền miên.
Nguyên liệu sản xuất dược phẩm trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Ảnh: chemeng

Lâu nay, ngành hóa dược luôn là điểm yếu của ngành dược trong nước. Hiện các doanh nghiệp dược vẫn chưa tự bứt phá, mà vẫn loanh quanh sản xuất nhiều loại thuốc trùng lắp, chủ yếu mua nguyên liệu có sẵn về đóng gói, dựa vào công thức có sẵn, hay còn gọi là "thuốc nhái". Hiện nay chỉ có hai doanh nghiệp là Mekophar và Domesco có sản xuất nhưng với số lượng hạn chế.

Bà Đặng Thị Kim Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar cho biết: Mặc dù là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất nguyên liệu kháng sinh Ampicillin và Amoxillin bằng công nghệ của Hàn Quốc với quy mô khoảng 450 tấn/năm. Và sản phẩm nguyên liệu Ampicillin còn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Lào. Tuy nhiên, 20 năm qua, doanh nghiệp liên tục thua lỗ vì thiếu một cánh tay sự trợ giúp của nhà nước trong vấn đề nghiên cứu và sản xuất loại hóa dược này: "Đối với giá thành thì chúng tôi luôn luôn bị cạnh tranh với thị trường của Ấn Độ và Trung Quốc do họ được chính phủ giảm thuế, trợ giá, mỗi lần bên đây chúng ta đưa ra một giá nào thì lập tức bên đó họ hạ xuống 1 tí để chúng ta không bán được, mặc dù nhà nước có ưu tiên không đánh thuế nguyên liệu đầu vào nhưng đến nay thì vẫn đang giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, đối với ampicilin thì chúng tôi đã có thể phát triển thành một loại Ampicilin có thể tiêm được. Như vậy chúng tôi có thể khẳng định nếu được nhà nước hỗ trợ trong vấn đề nghiên cứu và sản xuất loại hóa dược này thì chúng tôi có thể phát huy được nhiều hơn".

Ông Phạm Ngọc Tú - Giám đốc Kinh doanh Công ty Dược Sài Gòn Sapharco cho rằng: Dù có nhiều cố gắng nhưng năng lực sản xuất thuốc của đa số các doanh nghiệp trong nước còn thấp, nguyên liệu sản xuất thuốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài và có đến 90% thuốc trong nước là thuốc điều trị các bệnh thông thường với các dạng bào chế đơn giản. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là các bệnh viện nhưng các doanh nghiệp trong nước lại rất khó chen chân vào đấu thầu: "Chi phí từ đầu vào của chúng ta rất lớn, 95% đến 99% nguyên liệu dùng để sản xuất ra đều nhập về từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Đồng thời khi chúng ta tham gia cung ứng ra thị trường thì chúng ta lại khó cạnh tranh, nguồn chúng ta không được ưu tiên, ví dụ bây giờ Paracetamol có 6 doanh nghiệp cùng sản xuất Paracetamol khi đấu thầu vào bệnh viện chỉ có một doanh nghiệp được trúng thầu và được chọn thôi, điều này làm mất đi sự cạnh tranh, và chỉ doanh nghiệp nào trúng thầu thì người ta có chỗ để cung cấp cho thành phố, ngược lại những doanh nghiệp không trúng thầu thì khó phân phối ra bên ngoài vì thị trường OTC chỉ ở mức độ nào đó thôi".

Ngoài lý do khách quan kể trên, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chậm đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, chưa chủ động nghiên cứu những mặt hàng mới, sản xuất biệt dược chỉ tập trung các thuốc có giá trị thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp của ta không nắm bắt được những mặt hàng nước ngoài đã hết thời hiệu độc quyền để tìm cách đưa vào sản xuất. Dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Phó phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành dược Việt Nam nói chung nếu có đầu tư sản xuất thì cũng trùng lắp các nhóm hàng, không có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau: "Các doanh nghiệp hoạt động tương đối độc lập, công nghệ bào chế trong đó có công nghệ về hóa dược và những bí mật về công nghệ mà chúng ta phải tự trưởng thành chứ còn nghiên cứu và tiếp thu có nhiều khó khăn. Từ năm 1975 đến nay, chúng ta hầu như chưa xây mới được các nhà máy mà chỉ tiếp quản, sửa chữa nhỏ, sửa chữa lớn, cơi nới trên nền cũ mà chưa có đầu tư, quy hoạch trên tổng thể mang tính chiến lược có tính chất lâu dài mặc dù chúng ta có rất nhiều đề án".

Tất cả các vấn đề nêu trên liên quan mật thiết đến yếu tố con người. Hiện nay, dược sĩ được đào tạo ra không được sử dụng trong việc nghiên cứu và bào chế mà chủ yếu tham gia làm thương mại… Còn có một thực tế đáng buồn nữa là, trên thị trường hiện đang có khoảng 20.000 số đăng ký còn hiệu lực thì thuốc ngoại đang chiếm hơn 10.000 số với khoảng 1.000 hoạt chất. Thuốc nội chiếm thị phần còn lại nhưng chỉ ở khoảng 500 hoạt chất, và chỉ tập trung chủ yếu vào thuốc kháng sinh, kháng viêm, hạ nhiệt, giảm đau, vitamin, thuốc bổ... Còn những nhóm thuốc như: gây mê, giải độc đặc hiệu, thuốc chống ung thư… trong nước chưa sản xuất được. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, tìm lối ra ngành hóa dược cần phải: "Một sản phẩm mà chúng ta muốn cạnh tranh phải đạt tiêu chuẩn tương đương WHO, nếu chúng ta không kiểm soát như vậy thì lần đầu có thể được người dân ủng hộ nhưng lần sau chất lượng sẽ không có. Chúng ta cần mua công nghệ có sẵn để về sản xuất như vậy mới có sự cạnh tranh, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy đầu tư tại Việt Nam. Hiện thị trường của chúng ta so với quy mô của Ấn Độ, Trung Quốc còn thấp vì vậy chúng ta cần có chính sách tương đối để khuyến khích họ cùng phối hợp với các nhà máy trong nước để chúng ta nầng tầm lên, đồng thời đặt mạnh vấn đề nghiên cứu".

Hiện những kế hoạch mà ngành y tế đưa ra trong những năm tới là rất có triển vọng nhưng có trở thành hiện thực hay không có nhiều điều phải bàn, vì tình trạng chạy quanh của ngành dược Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Với tiềm năng về nguyên vật liệu tự nhiên phong phú đa dạng. Ngoài đầu tư cho công nghệ, cái mà ngành hóa dược trong nước đang cần là một vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, đã đến lúc nhà nước cần phải quan tâm để bảo hộ cho lĩnh vực này để đủ sức cạnh tranh với nước ngoài, đẩy mạnh hơn nữa chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Làm được những điều này, trong tương lai ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng từng phần nguyên liệu cho sản xuất thuốc đặc hiệu trong nước, góp phần ổn định giá dược phẩm trên thị trường hiện nay.        

Phương Dung
;