Ngành ngân hàng TPHCM: Góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống

(VOH) - Năm qua, tuy nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã đưa con tàu kinh tế tiến lên phía trước, đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Trong đó, TPHCM vẫn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước và tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng liên tục qua các năm. Kết quả này có được phải kể đến sự nỗ lực tích cực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố.
Giao dịch tại Sacombank Chi nhánh 8 tháng 3. Ảnh: dddn

Có thể nói năm 2013 vừa qua, là một năm đầy thắng lợi của ngành Ngân hàng trên địa bàn thành phố. dù lợi nhuận của các ngân hàng giảm và tăng trưởng tín dụng của ngành chỉ đạt 9%, tuy nhiên, nguồn vốn vay tập trung cho sản xuất kinh doanh, chiếm 83% trên tổng dư nợ. Quản lý thị trường tiền tệ trên địa bàn cũng đạt được kết quả tốt, thị trường ngoại hối - một thị trường khá nhạy cảm cũng được duy trì ổn định, thị trường vàng cũng kiểm soát được. Bên cạnh đó, nếu như trước đây, thời điểm cuối năm thường các đơn vị phải chạy vạy từng bữa với tín dụng, thì nay thành phố đã chủ động được nguồn vốn, chứng tỏ các tổ chức tín dụng tại địa bàn có sự chuyển dịch dòng tiền tốt. Và điều quan trọng nhất là trong năm 2013, ngành ngân hàng đã đạt được 2 mục tiêu chính: Củng cố sự an toàn của hệ thống và gia tăng lòng tin của người dân đối với ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh: "An toàn của hệ thống ngân hàng, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng đều phụ thuộc vào thành phố, đến nay chúng ta rất yên tâm là hệ thống ngân hàng không đỗ vỡ. Tuy nhiên, muốn hệ thống ngân hàng mạnh hơn, hiệu quả hơn thì cần phải làm tiếp nhiều việc. Giờ chúng ta xác định thành phố mình là trung tâm tài chính không chỉ của cả nước mà còn là của khu vực. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta đã làm tốt rồi, đã đóng góp tích cực vào cái chung rồi thì rất mong các đồng chí sẽ tiếp tục quan tâm lĩnh vực này".

Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng tại thành phố cũng đã không ngừng sáng tạo trong việc tìm biện pháp giải quyết khó khăn cho thị trường và cho doanh nghiệp. Nhiều chương trình đã được triển khai như: kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ và giảm lãi vay cho doanh nghiệp, cho vay chương trình bình ổn giá, cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên,… Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương điển hình trong việc kết nối các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2013, đã có 24/24 quận, huyện tiến hành làm cầu nối cho doanh nghiệp và ngân hàng gặp nhau. Qua đó, đã có hơn 600 doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng với hạn mức cam kết cho vay là hơn 13.000 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Chương trình này đã tạo được tính lan tỏa và nhiều địa phương bắt đầu áp dụng kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở kết nối ngân hàng với doanh nghiệp mà nhiều ngân hàng đã mạnh dạn hơn khi hỗ trợ đến cả tiểu thương tại các chợ truyền thống. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Năm 2013, trên địa bàn thành phố có một mô hình rất hay đó là Sacombank, từ năm 2013 đã có gói hỗ trợ cho các tiểu thương chợ truyền thống lên đến 1.000 tỷ. Tiếp tục Tết 2014 đã có thêm gói hỗ trợ 1.500 tỷ cho các tiểu thương chợ truyền thống. Gói hỗ trợ này rất tích cực hỗ trợ cho các tiểu thương có vốn vay với lãi suất phù hợp, không phải vay nặng lãi như thời gian trước đây, tạo điều kiện rất tốt về nhu cầu vốn cho các tiểu thương tại các chợ truyền thống".

Nhìn lại, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng khắp ở thành phố Hồ Chí Minh. Dư nợ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 30% tổng dư nợ toàn quốc. Điều này có thể nói, thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu để trở thành trung tâm tài chính của Việt Nam. Tuy nhiên, để biến thành trung tâm tài chính lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, của các tỉnh phía Nam và của cả nước thì còn nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: "Thành phố đang đi đúng hướng với mong mỏi của cả nước, tức là khi kinh tế phát triển thì Nghị quyết của Đảng đã giao cho thành phố là trung tâm của khu vực miền Nam bao gồm cả tài chính ngân hàng. Qua 3 năm, chúng ta thấy là tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của thành phố là luôn luôn cao, dẫn đầu cả nước. Các địa phương trong khu vực Nam bộ là mong mỏi thành phố trở thành trung tâm tài chính để thu hút vào, tôi thấy là thành phố trong 3 năm qua đã đi rất đúng hướng".

Trên cơ sở phát huy tốt hiệu quả và kết quả đã làm trong năm 2013, năm 2014, ngành ngân hàng trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, điển hình là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thì chương trình sẽ đi vào chiều sâu, tập trung nguồn vốn trung và dài hạn, tập trung vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao: "Chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng thành phố trong năm 2014. Chương trình năm nay có mở rộng thêm cho vay đối với doanh nghiệp áp dụng những sản phẩm, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ cao để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Chương trình này dự kiến năm 2014 sẽ thực hiện từ  25.000- 30.000 tỷ, gấp đôi so với năm 2013".

Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc dẫn vốn cho thị trường. Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Thành phố đề nghị làm sao trong năm 2014, tốc độ tăng tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải cao hơn mức cao nhất đã định ra cho cả nước để thành phố trở thành nơi phục hồi tốt nhất về kinh tế đối với cả nước và góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu đề ra cho 2014- 2015".

Năm 2014 mở ra với nhiều hy vọng tươi sáng cho kinh tế cả nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng, với mục tiêu tăng trưởng cao hơn, tạo đà cho những năm tiếp theo và xa hơn là chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tới. Vẫn còn đó, nhiều công việc mà ngành ngân hàng thành phố phải xem xét, giải quyết: đó là vấn đề nợ xấu và tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, đặc biệt các ngân hàng phải tự chủ động tái cấu trúc nhiều hơn thay vì chờ đợi sự hỗ trợ từ phía chính sách.