Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nghề cá ở Đồng bằng sông Cửu Long

(VOH) - Gọi tên “Nghề cá ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” nhằm để phân biệt bởi so với ngư dân miền Trung trở ra thì cách thức tổ chức đánh bắt thủy sản tại vùng biển từ Long An trở vào đến mũi Cà Mau có nhiều điểm khác biệt.

Ảnh: chobinhdien

Cách thức đánh bắt ngày càng hiện đại.. ! 

Trước hết, cần khẳng định kinh tế biển là tiềm năng lớn của vùng ĐBSCL với lợi thế 750km bờ biển, 7/13 tỉnh, thành tiếp giáp biển cùng 360.000 km2 vùng biển cùng thời tiết ít mưa bão hơn so với khu vực miền Trung. Tìm hiểu về câu chuyện “nghề cá ở ĐBSCL”, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra sợi dây liên kết giữa truyền thống, công nghệ, chính sách hỗ trợ từ chính quyền với những ghe tàu và bà con ngư dân.

Tìm đến nơi ông Quách Hiếu - người có hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển - đang cho đóng chiếc tàu công suất 600 CV với sức chứa 90 tấn, chúng tôi thật ấn tượng về độ to lớn của con tàu cũng như các phụ kiện kèm theo. Dây kéo lưới là loại dây thừng bản to, trải dài hơn cả chục mét trên con đường nhỏ dẫn vào xưởng đóng tàu. Các công nhân đang hì hục xẻ từng tảng gỗ lớn và ra sức lắp ghép chúng thành một khối to lớn dài khoảng 70 - 80 mét làm bộ khung của chiếc tàu. Chi phí cho một chiếc như vậy ngót nghét 6 tỷ đồng.

Dù không phải ra khơi, ông Hiếu vẫn bận rộn cả ngày với việc quản lý 2 tàu cá. Những chủ tàu tất bật như ông ở ĐBSCL không hiếm. Họ chính là điểm khác biệt nhất của nghề cá nơi đây so với ngư dân khu vực miền Trung trở ra, bởi họ hoàn toàn làm chủ đầu tư các con tàu cũng như chi phí hoạt động cho mỗi chuyến đánh bắt, thay vì “cổ phần hóa” chia đều quyền lợi và trách nhiệm đối với các thành viên.

Tại ĐBSCL, chủ tàu sẽ thuê “tài công” đóng vai trò người lái tàu kiêm phụ trách quản lý và hoạt động theo mô hình “trả lương” khoán hoặc theo năng suất cho từng thành viên tham gia chuyến đánh bắt. Thực tế cho thấy cách làm này giúp cuộc sống nhiều hộ chủ tàu trở nên rất khấm khá. Tuy vậy, kèm theo đó cũng có không ít rủi ro. Ông Hà Văn Hiệp - một chủ tàu ở xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tâm sự: "Vùng biển khu chồng lấn thì nhiều ngư dân, nhiều lái chài am hiểu. Họ hiểu rõ thế nào thì tôi cũng không rành. Khi ra ngoài đánh bắt, đeo theo luồng cá mà hơi bị lấn qua là gặp khó khăn ngay".

Mỗi khi đóng xong tàu mới, chủ tàu chỉ cần thuê một tài công “có nghề”. Tài công sẽ tự tìm người để lập ra đội tàu mới. Một tàu mới đóng ở Bến Tre có thể huy động lực lượng từ Long An, Tiền Giang… và ngược lại, cảng cá ở Cà Mau không thiếu những tàu ở Bến Tre hay Kiên Giang đến cập cảng. Điều này cho thấy tính truyền thống cũng như sự gắn bó trong cộng đồng bà con ngư dân ở ĐBSCL. Không ai bảo ai, quá trình vận động và phát triển nghề đánh bắt thủy sản ở ĐBSCL tự động hình thành dịch vụ hậu cần nghề cá. Khâu này vừa tạo thêm công ăn việc làm, vừa giúp các tàu thu mua cá, bổ sung nhiên liệu, lương thực, nhân công, thư từ liên lạc ngay ngoài khơi. Anh Lê Văn Mến - một tài công chuyên đánh bắt ở vùng biển Cà Mau cho hay: "Ra khơi đánh bắt khoảng 20 ngày thì đánh được 2-3 hầm cá, khi đó nước dùng và dầu gần hết. Mình sẽ mướn 1 ghe tải trong bờ ra, ghe này tải 2.000 cây đá, nước và dầu. Họ bán thiếu khi mình bán cá xong thì trả tiền".

Hàng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt cả nước. Rõ ràng, những lợi thế từ biển mang lại đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân của các địa phương ven biển. Do vậy, chính quyền đã xây những nhiều chương trình đầu tư, thành lập các hợp tác xã để quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý. Những năm gần đây, hệ thống Đài Thông tin Duyên hải có nhiều dịch vụ và hoạt động hỗ trợ cho bà con ngư dân ĐBSCL như công nghệ liên lạc vệ tinh Movimar hay dịch vụ liên lạc trực tiếp đến điện thoại di động. Điều này càng góp phần làm thay đổi tích cực thói quen sản xuất của nghề cá tại các địa phương. Tàu ra khơi và người ở đất liền đều trang bị thiết bị liên lạc hiện đại, chỉ cần hẹn giờ cố định mỗi ngày thì việc liên lạc dễ như “trở bàn tay”. Chị Nguyễn Thị Bo - vợ của một ngư dân quanh năm phải thường xuyên “bám biển” nói: "Tất nhiên mình phải đi làm, không đi không được, mà đi thì tâm trạng tôi lại nôn nao, lo sợ phập phồng đủ thứ chuyện. Liên lạc như vậy thì mình đỡ lo".

..Không chỉ là bức tranh màu hồng 

Câu chuyện “nghề cá ở ĐBSCL” không phải là bức tranh toàn màu hồng. Xen lẫn quá trình phát triển của những đội tàu ngày càng hiện đại hơn, quy mô hơn là những mảnh ghép rời rạc của phận thủy thủ long đong. Sau mỗi chuyến đi biển kéo dài, không ít người lại tiêu sạch số tiền kiếm được có khi lên đến vài chục triệu đồng, bởi thiếu điểm tựa gia đình. Một điểm đáng lưu ý khác là hầu hết tàu bè ở ĐBSCL chủ yếu khai thác theo kiểu “lưới kéo”, “lưới cào”. Cách thức này không được hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, do lo ngại có thể gây nhiều nguy hại đến môi trường.

Việc chuyển đổi không hề đơn giản bởi nghề cá ở ĐBSCL mang tính truyền thống lâu đời với những cách thức khai thác đã ăn sâu vào máu của ngư dân. Có lẽ, mô hình như Yanmar của Nhật Bản đang triển khai thí điểm ở miền Trung, vừa hỗ trợ đóng tàu hiện đại, vừa “chỉ tận tay” cách đánh bắt mới sẽ là một hướng tháo gỡ. Ngoài ra, việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và nhận thức của bà con về Luật Biển Việt Nam cần được chú trọng. Ông Nguyễn Quốc Ánh - Giám đốc Trung tâm Quan sát tàu cá - Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhìn nhận: "Sự phối hợp giữa các cơ quan để tuyên truyền cho ngư dân hiểu biết pháp luật, bảo vệ ngư dân làm ăn bình yên trên biển là nhiệm vụ chung. Các cơ quan phải phối hợp nhịp nhàng để thực hiện tốt các quy định mà Chính phủ đã ban hành".

Chặng đường chuyển đổi của nghề đánh bắt, khai thác thủy sản ở ĐBSCL còn nhiều vướng mắc. Đây chính là trách nhiệm mà Bộ ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phải nhanh chóng tháo gỡ, không thể chỉ nhìn vào cuộc sống ổn định của các chủ tàu hay tài công, mà bỏ qua khoảng trống mênh mông đang nằm lẩn khuất đâu đó sau những chiếc tàu cá.

Bình luận