Những khó khăn trong việc đưa nợ xấu về dưới 3%

(VOH) - Xử lý nợ xấu là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2015.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu toàn ngành về mức 3% trong năm nay, nhiều ngân hàng đã tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu thực sự vẫn là thách thức lớn khi mà khâu phát mãi tài sản vẫn còn nhiêu khê, đầu ra cho các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn chưa tìm được, trong khi nợ xấu mới phát sinh.

Ảnh minh họa: baonghean

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 4/2015 tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tăng 1,91%, dư nợ cho vay tăng 4,14% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đó là nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 4/2015 tăng lên 5,53% so với con số 5,31% cuối năm 2014. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu.

PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Marketing, đặt vấn đề: “Nợ xấu, chúng ta quyết tâm cuối năm nay kéo xuống 3%, nhưng theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thì nợ xấu lại tăng lên, đây là điều đáng lo ngại, nguyên nhân chính là gì? Nếu nói là nợ xấu mới phát sinh thì theo báo cáo kết nối ngân hàng với doanh nghiệp thì không có nợ xấu, và chúng ta đang tăng dần dư nợ đó lên, vậy nguyên nhân từ đâu? phải chăng là do trước đây chúng ta cho chuyển nhóm nợ còn bây giờ không cho?”.

Lý giải nguyên nhân khiến nợ xấu phát sinh thêm gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do áp dụng Thông tư 02 về xử lý nợ xấu và quy định phải tham chiếu thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng. Ngoài ra, một số ngân hàng hoạt động yếu kém, bị sáp nhập tạo ra nợ xấu lớn, chưa kể thời gian qua xảy ra một số vụ trọng án trong ngành gây thất thoát quá lớn. Cùng với đó là nợ xấu mới phát sinh từ các khoản vay, chính là lý do khiến cho nợ xấu ngân hàng tăng. Nhưng nợ xấu tăng mạnh chủ yếu ở các định chế tài chính phi ngân hàng. Còn nếu tính 12 ngân hàng thương mại có trụ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,45% tổng dư nợ. Theo kế hoạch trong năm 2015, mục tiêu chung của ngành ngân hàng và tại thành phố là xử lý nợ xấu và đưa về dưới mức 3%.

Từ đầu năm đến nay các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu từ nhiều nguồn: bán nợ xấu cho VAMC, thu hồi nợ từ khách hàng, bán tài sản để thu hồi nợ, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro…Theo đó, trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn đã xử lý được hơn 6.100 tỷ đồng nợ xấu. Ví dụ, tại Sacombank, tính đến cuối tháng 4/2015, dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng 5,6%, nhưng nợ xấu đến cuối tháng 4 cũng tăng lên 1,19% so với mức 1,18% cuối năm 2014, từ đầu năm đến nay, Sacombank thu được 200 tỷ đồng vốn gốc thu nợ từ các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.

Còn tại ACB, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng 4,6%, nợ xấu của ACB, tính đến cuối tháng 4/2015 cũng tăng lên 2,3% so với mức 2,09% cuối tháng 3 và 2,18% cuối năm 2014. ACB cũng đang có kế hoạch bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm nay. Tuy nhiên, muốn giải quyết nợ xấu rất cần các giải pháp tổng thể, chứ không chỉ tập trung một khía cạnh ngân hàng. Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank, cho rằng: “Vấn đề xử lý nợ xấu đòi hỏi có sự chung tay của rất nhiều cơ quan chức năng. Đặc biệt là các cơ quan hành chính, làm sao trong quá trình bán tài sản thì tòa án và các cơ quan chức năng hỗ trợ một cách tối đa. Vấn đề thứ hai, ngân hàng cho vay một doanh nghiệp thế nhưng bản thân doanh nghiệp sản xuất hàng ra bán không được, xuất khẩu thì lỗ,…Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề giảm bớt nợ xấu mới phát sinh thì vai trò của các Bộ, ngành trong vấn đề xúc tiến đầu tư, tìm đầu ra cho sản phẩm, quy hoạch sản xuất,…làm sao cho hàng hóa của Việt Nam đừng bị bán dưới giá thành”.

Theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6/2015 phải giải quyết được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu cần xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Đây là tiền đề để ngành ngân hàng phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015. Cùng với đó là sự phục hồi của các thị trường, nhất là thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngân hàng hoàn thành mục tiêu này.

“Xử lý nợ xấu là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trong năm 2015. Cụ thể, theo chỉ thị 02 của Thống đốc, đối với các ngân hàng thương mại thì phải cố gắng giảm nợ xấu xuống 3% vào thời điểm cuối tháng 9/2015 thông qua 2 giải pháp chính: bán nợ cho VAMC đến 31/8 phải hoàn thành kế hoạch được giao; về phần nợ xấu mà các ngân hàng tự xử lý thì đảm bảo đến 31/7 phải xong, nếu không hoàn thành trong thời điểm 31/7 thì phải báo cáo Thống đốc để tiếp tục có giải pháp khác nhằm đảm bảo đến cuối tháng 9 phải đưa nợ xấu trong toàn ngành xuống dưới 3%”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, cho hay.

Trong năm 2014, các ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC gần 200.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ bán thêm 70.000- 80.000 tỷ trong năm nay, tuy nhiên, đầu ra của các khoản nợ xấu vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Bên cạnh đó, khâu phát mãi tài sản đảm bảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn và đây mới là mấu chốt cho việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Rõ ràng, việc giải quyết nợ xấu đang trở nên cấp bách, rất cần những giải pháp kiên quyết, cụ thể và hiệu quả, nếu càng để lâu càng khó khăn thêm, bởi một khi nợ cũ chưa xong thì nợ mới lại phát sinh./.