Nỗ lực "cứu" người nuôi bò sữa TPHCM

(VOH) - Thời điểm cuối năm khi hợp đồng mua sữa đáo hạn là lúc người chăn nuôi đứng ngồi không yên với giá sữa.

Đàn bò sữa giảm dần

Thống kê của UBND xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (nơi có lượng bò sữa lớn nhất thành phố), đầu năm 2015, tổng đàn bò sữa của xã trên 24.000 con, đến nay còn chưa đến 21.000 con. Đến đầu tháng 12, hơn 200 hộ tại xã không biết bán sữa nơi đâu do không được tái ký hợp đồng.

Nguyên nhân là giá bán sữa không bù nổi chi phí, thêm vào đó là những dự báo khó khăn về thị trường. Quy chuẩn và tiêu chuẩn sữa ngày càng nghiêm ngặt khiến bà con không bán được ở mức giá mong muốn.

Theo khảo sát của Vinamilk tại 300 hộ nuôi bò sữa phía Nam, giá thành sản xuất sữa tại TP là 11.700 đồng/kg (tương đồng với tính toán của các hộ nuôi). Trước đây, giá quy định của một số công ty là 14.000 đồng/kg sữa tuy nhiên, hiện nay, phần lớn hộ dân chỉ bán được với giá từ 8.500 - 13.000 đồng/kg.

Theo phụ lục hợp đồng mới, từ tháng 1/2016, công ty sữa Friesland Campina sẽ mua sữa với giá khoảng 7.400 đồng/kg. Đối với sữa đạt tất cả thông số được cộng thêm 3.300 đồng/kg sữa. Dù vậy, giá này chỉ áp dụng với 90% sản lượng sữa bò, 10% còn lại chỉ mua với mức 7.400 đồng/kg, không có khoản tăng thêm.

Với lao động trung bình mỗi hộ là 4 người, giá mua sữa giảm tác động đến cuộc sống của hơn 7.000 lao động và 1.700 trại bò sữa ở Tân Thạnh Đông. Đáng nói đây từng là mô hình giảm nghèo phổ biến tại địa phương. 

Nông dân chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi, TPHCM (Ảnh: Tuyết Nhung)

Nhưng giá sữa vẫn cao

Có một thực tế, giá sản xuất sữa của nước ta vẫn cao so với thế giới. Chi phí sản xuất trung bình ở Việt Nam từ 42-52 USD/100kg sữa, trong khi Australia và Newzealand chỉ 35 USD, Mỹ 41,4 USD.

Quy đổi cụ thể, nếu mỗi kg sữa sản xuất tại các nước trung bình từ 7.700 đồng đến 9.100 đồng thì tại Việt Nam từ 9.200 đồng đến 11.400 đồng. 

Giúp nông dân vượt khó!

Giúp người nuôi bò sữa TP giảm chi phí, Vinamilk sẵn sàng kiểm tra miễn phí tồn dư kháng sinh trong sữa và cung cấp thức ăn cho bò sữa giá rẻ.

Ông Vương Ngọc Long, Giám đốc Phát triển vùng nguyên liệu Vinamilk cho hay: “Năm nay, Vinamilk sẽ ký hợp đồng với công ty bán cám trực tiếp đến bà con. Giá rẻ hơn từ 500 đến 600 đồng/ký. Tiền sử dụng cám được trừ qua tiền sữa. Vinamilk kiểm tra thường xuyên nên đảm bảo chất lượng”.

Nhiều doanh nghiệp đang giúp nông dân... vượt khó (Ảnh: Tuyết Nhung)

Riêng Friesland Campina sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi bò sữa. Ông Lưu Văn Tân, Trưởng Bộ phận Phát triển ngành sữa của Friesland Campina khẳng định: “Giá sữa chênh lệch nhiều, phải có lộ trình giảm từ từ. Đồng thời, anh em cũng hướng dẫn bà con các biện pháp giảm giá, chọn lọc lại đàn bò“.

Dù giá mua sữa giảm nhưng đây cũng là dịp cải thiện chất lượng đàn bò sữa. “Cơ hội tốt nhất để loại bỏ bò không đảm bảo năng suất. Chất lượng đàn bò tăng, năng suất nâng lên thì giá thành sản xuất sữa sẽ thấp, hiệu quả chăn nuôi cao”, TS Nguyễn Quốc Đạt, chuyên gia lâu năm về ngành bò sữa phân tích.

Huyện Củ Chi cũng đề xuất TP, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua sữa có phương án tháo gỡ. Một số giải pháp là chọn lọc, loại thải những bò sữa năng suất thấp, sinh sản kém, chất lượng sữa không bảo đảm; tăng cường và tự túc nguồn thức ăn xanh, giảm chi phí thức ăn, giữ gìn vệ sinh thú y, khử trùng, vệ sinh vắt sữa...

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết, phải tính toán số bò sữa sinh sản khai thác trên 50% tổng đàn. Hạn chế phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, lúc đó mới đảm bảo tiêu chuẩn của các công ty cũng như thế giới.

Ngành nông nghiệp TP chuẩn bị họp với doanh nghiệp thu mua sữa để tìm giải pháp tốt nhất. Tại hội thảo mới đây với người nuôi bò sữa Củ Chi, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP cam kết sẽ trình các phương án để UBND TP chỉ đạo, từ đó đồng hành với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra của người chăn nuôi bò sữa.