Nông dân thu nhập cực thấp, vì sao?

(VOH) - Dân số nông thôn Việt Nam chiếm 2/3 tổng dân số, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 46% tổng số lao động chung, trong khi đó GDP do nông nghiệp tạo ra chỉ đạt khoảng 20%. Điều này cho thấy năng suất lao động nông nghiệp rất thấp.

Nông dân trồng mai tại TPHCM (Ảnh minh họa: Lan Hương)

Ở nước ta, nông thôn vẫn được xem là vùng trũng các vấn đề kinh tế, văn hóa xã hội, là khu vực cần sự quan tâm, đầu tư. Mặc dù đã có nhiều chính sách tập trung phát triển khu vực này nhưng thực tế theo nghiên cứu, đây vẫn là khu vực có thu nhập thấp, mức sống còn khoảng cách so với các vùng.

Năng suất thấp

Theo kết quả của khảo sát ”Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam”  do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa công bố vào đầu tháng 8, mức thu nhập GDP bình quân đầu người ở nông thôn Việt Nam chỉ hơn Campuchia, nằm ở nhóm thấp nhất khu vực. Đói nghèo vẫn là vấn đề cần giải quyết. Mặc dù khu vực nông thôn Việt Nam có sự giảm mạnh về đói nghèo, nhưng không đúng với tất cả, trong đó nhiều hộ còn bị nghèo hơn.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, điều kiện sống được cải thiện nhưng giá trị gia tăng trong nông nghiệp trên mỗi lao động ở Viêt Nam vẫn dậm chân tại chỗ suốt thập kỷ qua, không tăng lên cùng quá trình tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, dân số nông thôn Việt Nam chiếm 2/3 tổng dân số, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 46% tổng số lao động chung, trong khi đó GDP do nông nghiệp tạo ra chỉ đạt khoảng 20%. Điều này cho thấy năng suất lao động nông nghiệp rất thấp. Nếu so với khu vực, năng suất lao động trong nông nghiệp nước ta lại càng thấp hơn.

Nhìn nhận về thực trạng này, tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu thị trường giá cả cho biết: “GDP thấp là do năng suất, trình độ... Làm ăn không hiệu quả, giá trị gia tăng nhỏ, năng suất lao động thấp là những nguyên nhân làm cho GDP thấp. Tăng trưởng của mình cũng không tốt  vì những năm gần đây chủ yếu lấy tiềm năng. Bức tranh thực trạng nông thôn thì sáng sủa, có tiến bộ, nhưng so với các nước, với mục tiêu, thực tế yêu cầu thì chưa đạt”.

Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng năng suất lao động thấp, tụt hậu về nông nghiệp như hiện nay là do đất đai manh mún, quy mô sản xuất nông nghiệp quá nhỏ. Theo số liệu thống kê, nước ta có gần 12 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2 ha, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha và 80% số hộ có diện tích dưới 1 ha.

Cụ thể như trường hợp nông dân Nguyễn Văn Nông, ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sống cùng vợ chồng người con trai. Ông cho biết, chi phí đầu tư cho ruộng lúa mỗi vụ lên đến 7 triệu đồng. Vì vậy, dù sử dụng công nhà, lợi nhuận từ ruộng lúa 5000 m vuông của ông cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng/vụ.

Khu vực của ông mỗi năm chỉ làm được 2 vụ lúa, tiền thu về từ ruộng lúa cả năm chỉ đạt chưa đến 4 triệu đồng. Từ đó cho thấy, phần lớn hộ nông dân nước ta, những đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản, có tiềm lực kinh tế thấp, sản xuất đơn lẻ, chưa thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường.

Về hiệu quả ruộng lúa và đời sống của người dân nông thôn, ông Nguyễn Văn Nông chia sẻ: “Công nhà, tỉa dặm tui không mướn thì mới có lời. Đây là tình trạng chung của nông dân. Vùng này làm nhỏ lẻ, tối đa một người 8 công hoặc 1 ha, còn lại là 1 công rưỡi, 2 công, 5 công. Ít nên làm sao thu nhập nhiều”.

Mặt khác, mức độ cơ giới hóa còn kém, đặc biệt là ở các khâu cần giải phóng sức lao động con người. Trong khi đó, theo một kết quả nghiên cứu khác, trên 97% số lao động nông nghiệp không được đào tạo về nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới chưa theo kịp đà phát triển, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp do chủ yếu làm ra sản phẩm thô. Ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật thấp, lao động thô sơ trong khi đất đai manh mún, tiềm lực kinh tế kém… là  những nguyên nhân làm cho năng suất lao động nông nghiệp nước ta thấp hơn so với các nước.

Chậm hội nhập

Ngoài ra, với tình hình kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại, sự liên kết, truyền dẫn của sản xuất nông nghiệp với thị trường cũng đóng một vai trò quan trọng quyết định rất lớn đến hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, nông dân vẫn chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức kỹ năng cần thiết, ngân hàng lại không mặn mà, doanh nghiệp thì ít đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ít đồng hành cùng với nông dân để làm gia tăng giá trị cho nông sản. Nếu không cải thiện sự liên kết truyền dẫn này thu nhập của người nông dân cũng như hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp sẽ không thể phát huy hết tiềm năng.

Thực tế những vấn đề trên đã được đưa ra phân tích nhiều lần, đã có nhiều chính sách tác động nhằm cải thiên tình hình nhưng thiệu quả chưa như mong đợi. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn đã được nhìn nhận nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua.

"Thực ra, kinh tế nông thôn ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, không chỉ riêng các chính sách về nông nghiệp. Chính sách đất đai, chính sách về công nghiệp hóa, chính sách di dân, thuế…sẽ ảnh hưởng đến người nông dân. Những gì xã hội có thì nông thôn đều có và chịu ảnh hưởng”, ông Lưu Đức Khải, Trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định.

Nông dân là chủ thể của ngành sản xuất nông nghiệp, của khu vực nông thôn. Vì vậy muốn phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cần thiết phải nâng cao vị trí vai trò của người nông dân. Làm thế nào để tăng năng suất lao động, tay nghề, cũng như nhận thức nhạy bén về thị trường để người nông dân có được vai trò vị thế, có thể đứng ra thương lượng, ký kết hợp đồng, liên kết, bình đẳng thương thảo với doanh nghiệp… Bài toán này vẫn đang loay hoay tìm lời giải.