Ông Mai Đức Chính PCT Tổng Liên đoàn Lao động VN : Tác động tăng lương không nhiều !

(VOH) - Sau hai phiên họp trước đó bất thành, ngày 3/9, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã công bố mức lương tối thiểu vùng năm 2016 được thống nhất tăng 12,4%, tương đương tăng 250.000-400.000 đồng, tùy từng vùng.

Mức tăng này sẽ được Hội đồng tiền lương Quốc gia trình Chính phủ phê duyệt và công bố vào tháng 10. Đến nay, mức lương tối thiểu mới đáp ứng trên 70% nhu cầu vì vậy hàng năm vẫn phải điều chỉnh. Phóng viên VOH trao đổi với ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam:

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính. (Ảnh: Dân Trí)

VOH : Việc tăng lương tối thiểu nhận được sự đồng tình của rất nhiều người lao động. Theo ông, mức tăng lần này đã khiến người lao động hài lòng chưa ?

Ông Mai Đức Chính: Tôi nghĩ với đề xuất của Tổng Liên đoàn, chúng tôi chưa thật sự hài lòng. Thế nhưng, qua hai lần thương lượng thì lần này tôi thấy rằng mỗi bên đều có nhân nhượng. Phía Tổng liên Đoàn Lao động chúng tôi đặt vấn đề về mức điều chỉnh ít nhất cũng phải bằng mức của năm 2015. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp vào ngày 31/8 và 1/9 thì tất cả chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế đều tăng, GDP tăng, xuất khẩu tăng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng, tỷ lệ các DN thành lập cũng tăng. Vậy thì với một bức tranh kinh tế như thế, năm nay không có lý do gì để chúng ta điều chỉnh thấp hơn. Mức đó chưa thật sự hài lòng nhưng trong quá trình thương lượng thì có thể chấp nhận được.

VOH : Lương tối thiểu cứ điều chỉnh rồi lại trượt giá thì sẽ điều chỉnh đến khi nào?

Ông Mai Đức Chính: Vấn đề tiền lương tối thiểu khi đề xuất thì Hội đồng tiền lương đã yêu cầu thực hiện theo đúng điều 91 của Bộ luật lao động. Đáng lẽ điều 91 này phải được áp dụng từ ngày 1 tháng 5 năm 2013 khi Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực. Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và suy thoái toàn cầu, DN Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tổng Liên Đoàn đồng ý với Chính phủ là cần lộ trình để thực hiện điều 91. Tuy nhiên, phải có thời gian kết thúc chứ không kéo dài vô hạn. Do đó, cần phải kết thúc điều 91 vào năm 2017. Hiện nay mức lương mới chỉ đáp ứng khoảng 75% mức sống tối thiểu của người lao động và trong 25% - 26% còn lại thì ta sẽ chia làm 2 năm so với tỷ giá tiêu dùng để điều chỉnh phù hợp. Chúng tôi thấy rằng mức chốt như Hội đồng tiền lương quốc gia chốt thì điều 91 của Bộ luật lao động sẽ không được thực hiện đúng như lộ trình.

VOH : Có ý kiến cho rằng, không nên qui định một mức lương chung cho tất cả mà nên căn cứ vào năng suất lao động của mỗi doanh nghiệp. Ông có ý kiến thế nào?

Ông Mai Đức Chính: Vấn đề năng suất ở đây khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì không gắn với người lao động. Năng suất lao động nó chỉ được gắn với tiền lương trung bình. Hiện nay cái chúng ta đang nói chính là năng suất lao động xã hội chứ không phải năng suất lao động công nghiệp hoặc dịch vụ. Trường hợp năng suất lao động thì nó tính chung cho cả xã hội do đó nhiều người không hiểu năng suất lao động và dường như cứ nói đến năng suất lao động là người ta cứ gán cho người lao động. Năng suất lao động chính là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Vì năng suất lao động nó gắn với việc đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ. Thứ hai là năng suất lao động phải gắn với quản trị DN, giảm chi phí và gắn với tay nghề của ngưởi lao động. Thế thì đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động phải là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người lao động chỉ có một phần là phải tự học tập, nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề, đáp ứng tác phong công nghiệp.

VOH : Ông đánh giá thế nào về tác động của việc tăng lương lần này?

Ông Mai Đức Chính: Thực ra, tác động tăng lương không nhiều. Bởi hiện nay DN đã trả lương cho người lao động cao hơn gấp rưỡi lần so với mức lương tối thiểu. Chúng tôi tính thu nhập bình quân ở khu vực Hà Nội đã là 4,4 triệu còn ở TPHCM các DN trả cho người lao động là 4,9 triệu và rất nhiều DN đã trả cho NLĐ 5,5 triệu đến 6 triệu rồi. Vấn đề ở đây là các DN đang lợi dụng kẽ hở để trốn đóng BHXH trên phần chênh lệch. Chúng tôi có trên tay các DN là họ đóng cho cơ quan BHXH ở mức 3,2 triệu nhưng họ lại quyết toán với cơ quan thuế là từ 5,5 đến 6 triệu. Tức là ít nhất khoản chênh lệch là 1,8 triệu. Khi tăng lương tối thiểu thì họ phải đóng thêm phần chênh lệch này. 

VOH : Lâu nay, chúng ta vẫn bị kêu ca năng suất lao động thấp, chỉ bằng 1/5 – 1/10 Thái Lan, Singapore, có phải lý do bắt nguồn từ chính sách lương thấp không?

Ông Mai Đức Chính: Tổ chức lao động quốc tế tính con số lao động xã hội, lấy tổng thu nhập của GDP chia cho lực lượng lao động thì ra năng suất lao động. Hiện nay ở VN chúng ta do tỷ trọng nông nghiệp còn lớn, đến 70% do đó chắc chắn năng suất lao động thấp. Nếu bây giờ so sánh năng suất lao động ở khu vực công nghiệp dịch vụ thì tôi cho rằng năng suất lao động không thấp. Điều này tôi muốn nói rằng trong 30 năm đổi mới có 2 điều không bình thường. Tính từ năm 1989 đến nay thì GDP tăng lên rất cao nhưng đến nay đời sống người dân mới đáp ứng được 75% mức lương tối thiểu. Thứ hai là rất nhiều DN đã không chịu đổi mới máy móc thiết bị mà chỉ nhắm vào lao động tiền lương giá rẻ. Chính vì vậy phải áp lực để các DN tăng mức tiền lương để họ thấy rằng cần phải đổi mới máy móc, thiết bị và để nâng cao năng suất lao động.

* Cám ơn ông!