Phải uống sữa chưa qua chế biến, nông dân mới bán được sữa

(VOH) - Khảo sát tại huyện Củ Chi (TPHCM) cho thấy, không ít người nông dân phải tự uống sữa mang đến, chưa qua chế biến để khẳng định sự... an toàn thì mới được doanh nghiệp chấp nhận thu mua.

Đoàn làm việc với mọt hộ dân tại huyện Củ Chi

Nhằm hỗ trợ bảo vệ người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố, ngày 19/11, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, đã có buổi giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Củ Chi (TPHCM).

Nông dân bị ép giá sữa bò ?!

Giám sát cho thấy, nhiều điểm thu mua sữa trên địa bàn không niêm yết rõ thông tin về giá, tiêu chuẩn, quy trình thu mua, việc lấy mẫu sữa để định giá mua chưa thực sự hợp lý.

Đặc biệt, người nông dân phải tự uống sữa mang đến, chưa qua chế biến, mới được phía công ty chấp nhận thu mua.

Hội Nông dân khẳng định đây không phải là biện pháp tốt nhất để khẳng định sự an toàn của nguồn nguyên liệu sữa, nhất là khi sữa chưa được qua chế biến tiệt trùng.

Mặt khác, theo mức giá quy định 1kg sữa nông dân bán được khoảng 14.000 đồng, nhưng thực tế phần lớn các hộ chỉ bán được ở mức 8.500 đến 12.000 đồng do phía nhà máy cho rằng chất lượng sữa chưa đạt quy chuẩn.

Về vấn đề này, ông Phạm Quý Cường, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường đề xuất, hàng quý hàng tháng các điểm thu mua cần xem xét giá thu mua sữa để không thiệt thòi cho người dân.

Các hộ dân chăn nuôi bò sữa cần được hỗ trợ nhiều hơn để phát triển đàn bò

Đầu ra cho sữa bò thiếu ổn định

Thời gian qua mặc dù giá thức ăn chăn nuôi bò sữa có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng sản xuất, nếu giá thu mua thấp như hiện nay các hộ chăn nuôi không có lời, thậm chí lỗ vốn.

Bà Dương Ngọc Loan, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông, xã có đàn bò sữa nhiều nhất thành phố cho biết, đối với một số mặt hàng chuyên biệt như hèm bia, xác mì chưa có các quy chuẩn cụ thể nên công tác quản lý chất lượng sản phẩm còn gặp khó khăn. Nếu không đảm bảo được các tiêu chuẩn, nguồn thức ăn này có thể gây tác động không tốt đối với bò.

Thực tế ghi nhận nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Củ Chi đang thực hiện giảm đàn do giá thu mua sữa thấp. Một số hộ không ký được hợp đồng tiếp tục bán sữa cho các công ty. Đến nay, trên địa bàn xã Tân Thạnh Đông có hơn 200 hộ không được ký tiếp hợp đồng.

Nhiều hộ tuy được ký tiếp hợp đồng nhưng bị hạn chế về số lượng sữa bán, dẫn đến dôi dư số lượng sữa sản xuất ra. Vì vậy, bên cạnh đề nghị bà con nông dân quan tâm nhiều hơn đến việc cải tiến kỹ thuật, thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nâng cao năng suất, chất lượng sữa, ông Trần Trường Sơn, Phó chủ tịch Hội Nông dân thành phố lưu ý, cần xem lại quy trình đăng ký sản lượng sữa của người dân và việc công khai minh bạch về tiêu chuẩn sữa, giá thu mua để người nông dân yên tâm sản xuất.

Đã từng có thời gian con bò sữa là thế mạnh kinh tế của nông nghiệp thành phố. Người nuôi bò sữa được các công ty sữa ủng hộ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu mua, phát triển đàn. Vì vậy, việc giữ gìn hay định hướng phát triển đàn bò sữa như thế nào để hạn chế thấp nhất những tác động không tốt đến đời sống người nông dân cần được quan tâm cân nhắc.