Phần 1: Hạn hán, xâm nhập mặn khiến nông dân điêu đứng

(VOH) - Từ thời điểm cuối năm 2015 đến nay, các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Tình hình này được dự báo vẫn còn tiếp diễn phức tạp hơn và có khả năng kéo dài đến tháng 5, tháng 6.

Hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa: TTXVN

Thiếu nước hàng ngàn hécta lúa mất trắng

Theo những ghi nhận bước đầu từ các địa phương, hạn hán, xâm nhập mặn đang hoành hành nhiều tỉnh, thành trên cả nước gây thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là khu vực ĐBSCL, vựa lúa của cả nước.

Tại các vùng sản xuất lúa cho thấy, các trà lúa Đông Xuân đang giai đoạn làm đòng đến chín đang có nguy cơ thiệt hại rất lớn do không có nước bơm tưới. Tại các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Tân Phú Đông,… nguồn nước trên các kênh rạch đã cạn dần nhưng trà lúa đang giai đoạn đòng trổ, mặn xâm nhập sâu hơn.

Nhiều bà con lo lắng vì nhiều khả năng không kịp thu hoạch mà nước bơm tưới đã cạn dần. Đến thời điểm này, Tiền Giang có gần 1.000 hecta lúa mất trắng, hơn 10.000 hécta lúa đang bị đe dọa, nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, xâm nhập mặn đã tấn công nhiều ruộng lúa. Hơn 26.000 hécta lúa đang còn giai đoạn trổ.

Theo thống kê mới nhất, ở Kiên Giang đã có gần 60.000 hecta lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng hạn mặn, trong đó gần 30.000 hécta bị thiệt hại.

Ông Cao Minh Trung, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết xâm nhập mặn ngày càng phức tạp đang là nỗi lo cho các vùng sản xuất lúa. Tuy nhiên việc tháo xả cống cũng có nhiều vấn đề.

“Hạn mặn cấp bách, nhu cầu từng địa phương khác nhau nên nhu cầu tháo xả cống đáp ứng yêu cầu cho từng xã, ấp, khu vực gặp nhiều khó khăn” - ông Cao Minh Trung nói.

Về hệ thống thủy lợi phục vụ cho công tác chống hạn, mặn, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: ”Đối với hệ thống cống ven biển ở Kiên Giang nếu chúng ta đầu tư hoàn diện, kể cả cái lớn và cái bé không những tác động đến tỉnh mà còn các tỉnh xung quanh như Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và kể cả An Giang, thì sẽ hạn chế hạn mặn xâm nhập các địa phương xung quanh”.

Ảnh minh họa: Internet

Hơn 30 ngàn hécta lúa thu đông bị mặn tấn công

Tại Sóc Trăng, đến nay có gần 5.800 hécta lúa ở các huyện Long Phú, Kế Sách, Trần Đề… bị thiệt hại do hạn, mặn khiến nông dân mất trắng khoảng 40 tỷ đồng... Hiện nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 65km, cao hơn nhiều so với những năm trước.

Ở các địa phương khác như Cà Mau và Bạc Liêu có trên 30.000 hécta lúa thu đông muộn bị mặn tấn công.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết tình trạng xâm nhập mặn nhanh làm thiệt hại trà lúa, tôm, trà lúa đông xuân và rừng tràm, vùng cá đồng rất lớn.

“Chúng tôi đang triển khai các biện pháp khắc phục từ tuyên truyền, cập nhật thông tin cho người dân biết và kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho người dân. Đáng chú ý là các nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng cũng làm khó khăn cho đời sống  người dân Cà Mau)” - ông Nguyễn Tiến HảI cho biết.

Tỉnh Bến Tre cũng đã công bố tình trạng thiên tai hạn, mặn với nhiều vùng đang thiếu nước trầm trọng. Tỉnh này cũng có khoảng 4.000 hécta lúa Đông Xuân bị thiệt hại do hạn, mặn; trong khi ở tỉnh Hậu Giang cũng có hàng ngàn héc ta lúa mất trắng và hàng chục ngàn hécta khác có nguy cơ thiệt hại trong những ngày tới.

Theo nhiều nhà nông ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, mùa lúa này có thế mất đến hơn 50%. Không chỉ lúa, cây ăn trái ở khu vực này cũng bị thiệt hại nặng nề vì không có nước tưới.

Kết quả kiểm tra cho thấy, độ mặn 4gram/lít trên nhiều sông ở ĐBSCL đã vượt sâu khoảng từ 25 đến trên 70km. Nếu thời gian tới không có mưa thì độ mặn sẽ còn tăng cao hơn và kéo dài đến tháng 5. Đây là vấn đề không chỉ người dân lo lắng mà ngay cả các cấp chính quyền địa phương và Trung ương cũng bàn nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Đến thời điểm này, ước tính ĐBSCL thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng từ việc thiếu nước sản xuất, tưới tiêu cho cây trồng vật nuôi. Nhiều địa phương ở khu vực này đã công bố thiên tai do mặn xâm nhập cấp độ 1 đến cấp độ 2 dựa trên kết quả kiểm tra nguồn nước tại các sông lớn nhỏ.