Phát triển kinh tế tư nhân phải đi đôi với cải cách thể chế, hành chính

(VOH) - Để Việt Nam trở thành nước công nghiệp, hiện đại, các chuyên gia xác định phải tăng năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và lấy khu vực này làm trung tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân phải đối diện với nhiều lực cản.

Nghe nội dung bài viết

 

97% doanh nghiệp Việt Nam hiện là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: baodautu

Là doanh nhân kinh doanh khá thành công trong lĩnh vực vàng nữ trang, bất động sản nhưng ông Đào Trọng Đại còn nhiều trăn trở: "Tôi xin một giấy phép kinh doanh ở Gia Lai, họ yêu cầu là phải có hợp đồng thuê mặt bằng. Luật không có điều này nhưng do cơ quan chức năng đòi nên doanh nghiệp đáp ứng.

Tôi đưa ra một hợp đồng thuê mặt bằng trong trung tâm thương mại. Do hợp đồng sắp hết hạn nên cơ quan chức năng hoãn cấp giấy phép kinh doanh".

Luật đưa ra quy định nhưng việc cụ thể hóa vào cuộc sống đôi khi chưa thống nhất và thiếu đồng bộ, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I cho rằng, có 3 nguyên nhân làm cho doanh nghiệp tư nhân không thể tăng trưởng tốt và không thể cạnh tranh tốt:

"Thứ nhất là do chúng ta nhỏ, xuất phát điểm thấp. Khi doanh nghiệp nhỏ thì quy mô sản xuất không lớn, giá thành sản phẩm cao, không thu hút được nhân tài.

Chúng ta nhỏ là do sợ và thật sự doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất sợ. Sợ từ cơ quan chức năng đến thanh tra kiểm tra, sợ doanh nghiệp to lớn hơn từ khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và sợ lẫn nhau nữa.

Niềm tin giữa những người kinh doanh với nhau tại VN rất thấp. Nỗi sợ đó ám ảnh đến mức là có doanh nghiệp sau giai đoạn làm ăn, thấy có cơ hội phát triển lớn hơn nhưng lại sợ nguy hiểm, lẻ loi.

Thế thì gom cả 3 yếu tố đó lại, vừa nhỏ, vừa sợ sệt, vừa lẻ loi thì làm sao lớn, cạnh tranh, tăng trưởng?".

Về chủ quan, bản thân doanh nghiệp, nội lực hạn chế chưa bắt kịp đổi thay của nền kinh tế, ở góc độ khách quan, doanh nghiệp chưa được cư xử công bằng trong việc hưởng lợi từ chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: "Kiến thức, trình độ để bắt kịp với một giai đoạn khá là khắt nghiệt đối với doanh nghiệp Việt. Đối với doanh nghiệp thiếu vốn, họ sẽ nói là họ bị kiểm tra nhiều quá, họ bị rầy rà về thủ tục nhiều quá và họ cũng không được công bằng trong việc tiếp cận với điều kiện hỗ trợ.

Sau đó, thay vì doanh nghiệp sẽ đầu tư tiền của để cạnh tranh thì lại phải quẹo qua một phương thức khác, nhiều khi làm giảm sự tập trung, sức cạnh tranh của doanh nghiệp rất nhiều".

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác lập một vai trò mới của khu vực kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, Đại hội khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ngày 29/4/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam, động lực phát triển của kinh tế đất nước”. Tháng 2/2016, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng  và dân chủ do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng được công bố…

Những động thái này cho thấy quyết tâm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, thông thoáng đối với khu vực kinh tế tư nhân. Việc phát triển này phải đi đôi với thể chế đồng bộ với bộ máy thực thi.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng: "Nếu căn cứ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư Việt Nam thì thoáng hơn nhiều so với Mỹ, nhưng tại sao ở Mỹ không ai kêu, đó là do bộ máy, tổ chức và con người. Bộ máy hướng dẫn cho doanh nghiệp làm minh bạch, việc gì ra việc đó, doanh nghiệp biết rằng tới thời điểm đó là xong việc.

Một cải cách mà chỉ có thể chế trong khi bộ máy không cải cách, con người không cải cách thì thủ tục nào cũng làm khó doanh nghiệp được, bỏ thủ tục cỡ nào cũng không hiệu quả. Do đó, cải cách thể chế và bộ máy hành chính phải đồng bộ".