Phát triển kinh tế xanh – Lợi cả đôi đường

(VOH) - Trước những bất ổn và thách thức toàn cầu mà nhân loại đang đối mặt, “kinh tế xanh” mở ra hướng tiếp cận mới và bền vững cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm đói nghèo, biến đổi khí hậu và kiểm soát ô nhiễm môi trường… Có thể nói, kinh tế xanh nhằm hướng sự quan tâm và tham gia của cộng đồng không chỉ vào lĩnh vực sản xuất mà cả lĩnh vực tiêu dùng vì mục tiêu sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Sản xuất năng lượng gió. Ảnh minh họa- Internet.

Chủ đề ngày môi trường thế giới 5/6 năm nay là kinh tế xanh, không phải bây giờ người ta mới nhắc đến khái niệm này, nhưng nhấn mạnh rằng kinh tế xanh có vai trò quan trọng để chúng ta suy nghĩ lại về cách phát triển kinh tế nếu muốn tạo ra một tương lai tươi sáng.
Hiểu một cách đơn giản, Kinh tế Xanh là nền kinh tế ít phát thải cacbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Kinh tế Xanh không thay thế phát triển bền vững mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc... đã đầu tư hàng trăm tỷ đô la cho chính sách Kinh tế Xanh, coi đó là sự đầu tư tốt nhất đối với phát triển bền vững của quốc gia, vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tạo việc làm. PGS TS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM nói:

Tại nước ta, thuật ngữ Kinh tế Xanh còn khá mới mẻ nhưng thực tế đã được các doanh nghiệp quan tâm ứng dụng, được chính phủ khuyến khích, chẳng hạn như hướng vào những công nghệ sản xuất sạch hơn. Thời điểm bà Nguyễn Thị Truyền còn làm ở Trung tâm sản xuất sạch hơn thuộc Sở Tài nguyên và môi trường đã từng khảo sát khá nhiều doanh nghiệp, theo bà, nếu doanh nghiệp kiểm tra lại toàn bộ quá trình sản xuất thì sẽ thấy nhiều lỗ hổng về năng lượng và khắc phục thì sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất cũng như bảo vệ môi trường. Bà Truyền dẫn chứng về nhà máy của công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa, trước khi Trung tâm sản xuất sạch hơn tiến hành tư vấn và cải tạo lại hệ thống lò hơi của nhà máy, thì khi vào khu vực sản xuất, không khí xung quanh rất nóng, khói thải mịt mù và đứng ở đây không thể nói chuyện với nhau vì tiếng ồn rất cao. Với chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng bảo ôn đường ống, thu hồi nước ngưng, lắp hệ thống giảm tải quạt hút, quạt đẩy… mỗi tháng doanh nghiệp tiết kiệm được 20% nhiên liệu than, 50% điện, giảm công suất hoạt động của các biến tần, các chi phí này lên đến vài trăm triệu. Chỉ trong vòng 3 tháng doanh nghiệp đã hoàn được vốn đầu tư, sau đó còn mạnh dạn lắp đặt thêm các hệ thống khác. Bà Truyền cho biết thêm:

Một tín hiệu tích cực khác là việc ứng dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời trong nhiều hoạt động như chiếu sáng, nuôi trồng thủy sản, phục vụ sinh hoạt. Trong đó có không ít doanh nghiệp xem đây là tiêu chí phát triển bền vững và đầu tư khá lớn cho lĩnh vực này. Gần đây nhất, nhà máy Intel tại khu công nghệ cao TPHCM đã khánh thành hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với hơn 1900 tấm pin. Dự án có khả năng phát được 321.000 kWh điện và hạn chế hơn 220.000 kg khí cácbonic thải ra hàng năm. Tổng trị giá đầu tư vào công trình này là 1,1 triệu đô la Mỹ. Trao đổi về hướng ứng dụng năng lượng sạch trong thời gian tới ở khu công nghệ cao, PGS TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM bày tỏ:
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn ngộ nhận phát triển kinh tế xanh phải là những dự án triệu đô vào hệ thống xử lý nước thải, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại mà quên mất rằng có những giải pháp nhỏ nhưng vẫn đem lại hiệu quả lớn. Ví dụ như tiết kiệm điện, phát động nhân viên tiết kiệm nước, đưa ra các ý tưởng xanh…..Từ từ sẽ tiến dần đến những giải pháp khác. Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM cho rằng:

Một số chuyên gia khẳng định phát triển bền vững chính là cách doanh nghiệp tiếp thị mình hiệu quả, cụ thể như là sản phẩm xanh hoặc dịch vụ xanh. Người tiêu dùng hiện đại không chỉ muốn sử dụng sản phẩm chất lượng tốt mà còn muốn sản phẩm đó phải an toàn và thân thiện với môi trường. Theo kết quả khảo sát được tiến hành từ năm 2005 - 2011 thì có 72% số người được hỏi cho biết sẵn sàng mua sản phẩm xanh với mức giá truyền thống, đặc biệt hơn 28% cho biết sẵn sàng mua với giá cao hơn. Do vậy, đầu tư vào các công nghệ xanh ắt hẳn sẽ có nhiều cơ hội sinh lời nếu doanh nghiệp biết khai thác tốt.