Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

(VOH) - Khởi nghiệp ở Việt Nam - mặc dù là một khái niệm mới nhưng đã và đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ trong xã hội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ và được Chính phủ hết sức quan tâm và khuyến khích.

Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thu hút vốn từ các quỹ đầu tư. (Ảnh minh họa: Báo Công thương)

Vốn cho doanh nghiệp khới nghiệp đã có

Doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) với những sáng tạo đột phá về công nghệ là một trong những nhân tố then chốt giúp nhiều quốc gia thoát khỏi mức thu nhập trung bình. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là việc huy động vốn, đặc biệt là cho giai đoạn ươm mầm và tăng tốc.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 vừa ban hành trong tháng 5 vừa qua đang tạo ra một luồng sinh khí mới thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Đồng thời, tạo nền tảng khuôn khổ pháp luật, chính sách giúp hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, đổi mới, mang lại những lợi ích thiết thực. Một yếu tố không thể thiếu để kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt là hình thành một hệ thống kênh dẫn vốn mang tính đặc thù, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, từ khâu ươm mầm cho đến giai đoạn tăng tốc.

Theo kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế tri thức phát triển như Israel, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, đều có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt cần hội tụ đủ các yếu tố chủ yếu như: khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho khởi nghiệp, tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp, sự tham gia tích cực của các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư... và các cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...

Trên thế giới, quỹ đầu tư mạo hiểm là mô hình rất có hiệu quả được thiết lập nhằm tạo kênh tài chính bổ sung cho tín dụng ngân hàng và huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

“Thông thường những người khởi nghiệp là những người ưa mạo hiểm, khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo thì rất rủi ro, cho nên tài trợ vốn truyền thống trước đây là tín dụng ngân hàng thì không thích hợp với các hoạt động khởi nghiệp. Vì rủi ro ngân hàng là rủi ro có tính hệ thống và ngân hàng thường không bao giờ chấp nhận bỏ tiền ra cho một hoạt động nào đó mà có nguy cơ mất khoản của người gửi tiền. Khởi nghiệp là một hoạt động đầu tư mạo hiểm, cho nên tài trợ cho hoạt động này phần lớn là các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư thiên thần”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhận định.

Hiện nay, khi lợi thế cạnh tranh về vốn và lao động của Việt Nam ngày càng giảm thì sự đột phá về chất lượng tăng trưởng chỉ có thể được nhờ việc áp dụng khoa học công nghệ mới, phát huy tính sáng tạo và đổi mới trong sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ cam kết  phát triển 5.000 doanh nhân trẻ các thế hệ, cùng đồng hành phát triển 1.000 doanh nghiệp sáng tạo, chúng tôi sẽ ươm mầm khoảng 300 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn 5 năm tới, hỗ trợ kêu gọi đầu tư cho 100 doanh nghiệp cụ thể với tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng. 

...Nhưng chưa đáp ứng thực tế?

Hiện Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo của thành phố đã được thành lập với số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng và sẽ phấn đấu đạt 100 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2020. Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:Chúng tôi đặt quan trọng vào ý tưởng sáng tạo. Vốn thì tuỳ theo dự án, tuỳ theo mô hình quy mô của ý tưởng khởi nghiệp, chúng tôi sẽ đầu tư vốn đối ứng tương xứng, nhưng quan trọng hơn là chúng tôi dẫn dắt để đưa ý tưởng sáng tạo đi vào thực tiễn.

Ông Nguyễn Hoàng Thái Dương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Color Life, một doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công, cho rằng tổng chi phí chỉ có 100 tỷ và tới năm 2020 mới giải ngân xong là con số quá nhỏ. Thành phố nên tạo cơ chế cho các quỹ đầu tư để gia tăng nguồn vốn này lên.

Hiện tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam chủ yếu gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên việc gọi vốn có không ít khó khăn do không có thông tin cụ thể và chính thống về các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho các doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ khắc phục và kết nối với các nhà đầu tư.