Sức lan tỏa từ khu dân cư cho cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại TPHCM

(VOH) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có sự lan tỏa nhất định trong đời sống xã hội. Điều dễ nhận thấy nhất là cuộc vận động không chỉ đã nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc ưu tiên, tăng cường tiêu dùng hàng hóa trong nước mà trên thực tế đã có sự chuyển động thực sự trong thói quen và hành vi mua sắm.

Nếu mỗi người dân Việt khi mua sắm, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cung ứng thì cũng đồng nghĩa với việc đã nghĩ đến sự phát triển của đất nước bằng hành động nhỏ nhưng thiết thực của mình. Cuộc vận động đã được các Ủy ban Mặt trận tổ quốc tại quận - huyện - phường - xã tuyên truyền rộng rãi đến tận người dân.

Tại TPHCM, việc truyền thông đang được triển khai đến từng khu dân cư. Bà Pham Thị Hương - Phó Ban công tác mặt trận khu phố 2 - phường 17 quận Bình Thạnh chia sẻ, khu phố đã lấy phương châm tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” và triển khai cuộc vận động bằng nhiều hình thức như: thực hiện đựa nội dung cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt định kỳ của Ban công tác mặt trận các chi hội, đoàn hội của khu phố, tổ chức bán hàng giảm giá, thông báo rộng rãi các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn khu phố, thông qua các hội nghị tại khu phố tặng quà cho người dân bằng hàng Việt Nam. Bà Phạm Thị Hương chia sẻ: "Từ 2009 đến nay, khu phố đã tổ chức được 24 cuộc tuyên truyền với hơn 2.000 lượt người tham dự, 7 cuộc tọa đàm với hơn 450 lượt người tham dự, tổ chức 3 cuộc bán hàng trợ giá với 25.000 đồng trên một hóa đơn mua hàng cho hơn 250 lượt người. Hưởng ứng cuộc phát động của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam - quận Bình Thạnh về mô hình người bán hàng đại sứ hàng Việt nhằm mục đích đưa các điểm bán hàng bình ổn giá đến các khu dân cư, đồng thời vận động các cửa hàng, tạm hóa trên địa bàn ưu tiên bán hàng Việt Nam. Ban công tác mặt trận khu phố phối hợp các tổ chức thành viên xây dựng lực lượng tuyên truyền viên tại khu phố để tiếp cận trực tiếp bán hàng như tạm hóa, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ để tuyên truyền đến người bán hàng trong việc nâng cao ý thức bán hàng Việt Nam, đồng thời tuyên truyền vận động người mua dùng hàng sản phẩm Việt Nam".

Đại diện cho người dân tại các khu dân cư, ông Đinh Ngọc Phiến, sống tại khu phố 4, phường 13, quận 5 chia sẻ, Chi bộ Đảng tại khu phố luôn nhắc nhở bà con chú ý việc sử dụng hàng nội trong sinh hoạt như: sắm vật liệu xây dựng khi có kế hoạch xây nhà, hay sắm sửa đồ đạc dùng trong gia đình. Trong các kỳ họp chi bộ, ông luôn tham gia thảo luận, trao đổi, góp ý, nhận xét với các Đảng viên trong Chi bộ về hàng Việt Nam, hàng nào tốt hàng nào xấu để vận động nhiều người ủng hộ về cuộc vận động này. Để cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả hơn nữa, ông Đinh Ngọc Phiến đề nghị: "Làm sao từ Trung ương đến người dân thường thì phát động phong trào là dùng hàng Việt Nam. Tất cả những lễ tiếp tân phải dùng hàng Việt Nam, xe đưa đón khách bộ ngoại giao cũng là xe mác Việt Nam, thậm chí chai nước trên bàn cho các vị ngoại giao phải là hàng Việt Nam thì mới trở thành phong trào rộng rãi được. Là Đảng viên thì phải đi đầu, từ vị Tổng bí thư đến người dân dùng hàng Việt, cán bộ Đảng viên mà đi đầu thì cuộc vận động sẽ thắng lợi".

Người tiêu dùng chưa mặn mà với hàng Việt Nam nên cần phải vận động mọi người, tìm hiểu nguyên nhân tại sao mọi người ít dùng hàng Việt Nam. Theo ý kiến của ông Đồng Văn Khiêm, thuộc câu lạc bộ Sinh vật cảnh Thành phố, trước tiên là do nhà sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng; thứ hai là do một số người thích dùng hàng ngoại. Để người dân hướng ứng cuộc vận động này, theo ông Đồng Văn Khiêm điều quan trọng nhất là chất lượng và giá cả: "Chúng ta phải tiếp tục có một cuộc vận động đối với người sản xuất là làm sao sản xuất được hàng tốt, hàng nhiều, hàng rẻ thì mới đáp ứng được người tiêu dùng. Mặt khác phải giáo dục cho người sản xuất phải sản xuất các mặt hàng theo yêu cầu của thị trường, sản xuất cái thị trường cần, cái người tiêu dùng cần chứ không phải áp đặt sản xuất mặt hàng mà doanh nghiệp muốn, cho nên mới dẫn đến chuyện hàng thừa hàng ế, và thiếu thì vẫn thiếu mà thừa thì vẫn thừa".

Đồng ý kiến với ông Khiêm, ông Nguyễn Hữu Dân - đại diện Hội cựu giáo chức phân tích thêm: "

Vấn đề mà các nhà sản xuất cần chú ý là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm từ đầu cho đến cuối, chỉ có tăng lên chứ không giảm đi, nghĩa là giữ gìn thương hiệu như giữ gìn con ngươi của mình, nếu không giữ gìn thương hiệu thì chỉ một thời gian người tiêu dùng sẽ rời bỏ mình đi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng do hàng gian hàng giả, hàng nhái, hàng nhập... làm ảnh hưởng đến mình, rồi hàng Trung Quốc bán rẻ nhưng tôi lại nghĩ khác, tôi nghĩ rằng đây chính là cơ hội để doanh nghiệp vượt lên làm ăn, vì hàng gian, hàng giả, hàng nhái nổ ra mà hàng mình chất lượng thì người tiêu dùng sẽ chọn mình".

Có thể thấy, cuộc vận động trong những năm qua đã dần dần đi sâu vào các quận - huyện - phường - xã và khu dân cư thông qua việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá và tư vấn cho người dân các khu dân cư những sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng cao giúp người dân nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm khi mua sắm. Mặt khác, từ góp ý của người tiêu dùng, thiết nghĩ các doanh nghiệp cũng phải đổi mới sáng tạo, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, có chất lượng và ngày càng khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam của mình.

Có phát huy mọi nguồn lực, tập trung trí tuệ toàn xã hội cho việc tạo ra một phong trào thi đua rộng lớn thì mới thúc đẩy sản phẩm và thương hiệu Việt ngày càng có chất lượng. Để hàng Việt trở thành sự lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng trong nước vẫn là mục tiêu lâu dài và bền bỉ của cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM và trên phạm vi cả nước.


Chọn mua bánh AFC của công ty cổ phần Kinh Đô. Ảnh minh họa - Nguồn: PNO.

Bình luận