Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia trên thế giới khá biến động. Nguyên nhân do sản lượng nông sản phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết, sâu hại, dịch bệnh trên cây trồng. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu gạo, một số doanh nghiệp lương thực đã thực hiện tăng giá trị gia tăng cho hạt gạo thông qua chế biến. Cụ thể như Công ty Colusa Miliket, nhờ những thay đổi trong sản xuất, đa dạng hóa các mặt hàng chế biến mà chỉ trong 3 năm qua đã vượt qua lỗ lã thành một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Lợi nhuận của đơn vị năm sau cao hơn năm trước.
Ông Võ Văn Út - Giám đốc công ty Colusa Miliket cho biết, hiện nay dù hoạt động đến 80% công suất thiết kế nhưng các sản phẩm chế biến của nhà máy vẫn không thể đáp ứng đủ đơn đặt hàng cho khách. Mặc dù, hiện nay, cạnh tranh trong ngành diễn ra rất gay gắt, các sản phẩm chế biến từ hạt gạo phục vụ cho thị trường nội địa vẫn còn rất lớn. Nhờ vậy, trong 3 năm qua, đơn vị luôn sản xuất kinh doanh có lãi. So với năm 2007 trở về trước, mỗi năm lỗ 3-5 tỷ đồng, đây là một bước thắng lợi mới. Năm 2009, nhà máy sử dụng trên 20.000 tấn bột mì và hơn 10.000 tấn gạo để chế biến ra các sản phẩm mì gói, phở ăn liền, hủ tíu ăn liền theo từng khẩu vị các vùng miền và phục vụ người tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu. Ưu điểm của các sản phẩm phở và hủ tíu ăn liền là doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu gạo trong nước, luôn sẵn có. Hiện nay, trước nhu cầu của thị trường, công ty dự kiến sẽ đầu tư thêm một dây chuyền tự động sản xuất bánh phở và hủ tíu. Dây chuyền này có giá trị 5 tỷ đồng không kể nhà xưởng, cơ sở hạ tầng khác. Các sản phẩm phở, hủ tíu từ dây chuyền này làm ra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, do sản xuất tự động, hạn chế tối đa các công đoạn làm bằng tay. Công suất dây chuyền đạt gần 4 tấn/ca. Dự kiến nhu cầu thị trường hàng năm có khả năng tiêu thụ vài trăm ngàn tấn sản phẩm chế biến từ gạo nhưng doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.Hiện doanh nghiệp đang định hướng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ gạo chế biến cao cấp hơn và sản phẩm ưu tiên đáp ứng 60% cho tiêu thụ nội địa và còn lại cho xuất khẩu. Từ hạt gạo, đơn vị đã sử dụng hoàn toàn, không bỏ phí một phần nào, 95% là hàng chính phẩm và phần còn lại cũng được tận dụng. Như vậy, hạt gạo qua các sản phẩm chế biến đã tăng giá trị lên ít nhất gấp 2 lần.
Một điểm nổi bật khác bên cạnh việc tăng giá trị cho hạt gạo, là nhờ doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khói bụi đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất. Hệ thống này đầu tư 800 triệu đồng và chỉ sau 6 tháng đã thu hồi vốn. Nguồn nước thải ra môi trường còn rất ít, khoảng 10 % so với trước đây 40-50 mét khối/ngày. Nước thải sau xử lý thả nuôi cá sống được và nước này được tái sử dụng để lọc bụi và tưới cây xanh. Nhờ vậy, trên khuôn viên 2 ha, nhà máy đang có 15% diện tích là cây xanh bóng mát. Hiện nay, nhà máy đang được các cơ quan chức năng của quận đề nghị thành phố loại ra khỏi danh sách đơn vị ô nhiễm phải di dời. Cũng nhờ hệ thống thu gom, tái sử dụng nhiệt nên giảm được chất đốt, giảm sử dụng điện năng, giảm ô nhiễm, góp phần hạ giá thành sản xuất. Riêng nước nóng hoàn hưu có nhiệt độ hơn 100 độ C chuyển sang chế biến bánh phở và hủ tíu mang lại hiệu quả. Hiện chi phí chất đốt của doanh nghiệp tính trên 1 đơn vị sản phẩm chỉ còn 40% so với trước đây. Riêng sử dụng năng lượng điện, hàng năm đơn vị đã tiết kiệm 6 tỷ đồng.
Hạt gạo sau khi qua công đoạn chế biến thành những sản phẩm ăn liền của Công ty Colusa Miliket đã tăng giá trị lên cao hơn nhiều lần. Hiện một số doanh nghiệp trong ngành cũng đang đầu tư vào sản xuất những mặt hàng khác từ gạo như bánh tráng, bánh phồng tôm... Nếu được đầu tư, áp dụng công nghệ chế biến, nước ta có thể giảm bớt một lượng gạo xuất khẩu thô để chuyển thành các mặt hàng chế biến đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu, nước ta sẽ có điều kiện cân đối hoạt động xuất khẩu gạo tốt hơn và có hiệu quả hơn./.
Nguyễn Thắng