Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tăng hiệu quả xúc tiến đầu tư vào miền Tây

(VOH) - Thảo luận về công tác xúc tiến thương mại-đầu tư nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sáng 6-11, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn chung, trong những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn vùng ĐBSCL đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đáng kể là các doanh nghiệp ở Long An, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang.

Tính lũy kế đến tháng 9 năm 2014 trên địa bàn vùng ĐBSCL đã có 903 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 11,8 tỷ USD, chiếm gần 5,3% về số dự án và 4,9% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước.

Tuy nhiên việc quảng bá, xúc tiến đầu tư, nhất là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế chưa tạo được sức hút đối với nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng , mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh, tuy vậy nền kinh tế khu vực ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khó khăn về điều kiện để phát triển như: giao thông, giáo dục, thương mại và dịch vụ… ĐBSCL đang rất cần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực phát triển xây dựng cơ hạ tầng, đặc biệt về giao thông, năng lượng, đào tạo và bảo vệ môi trường. Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Có 3 khía cạnh phải tập trung chiều sâu là: quy hoạch, xây dựng hạ tầng, xây dựng chính sách giải quyết các nút thắt trong chuỗi giá trị như: giao thông, cảng, năng lượng”.

Bình luận