Tăng thuế túi nylon - Bài toán kinh tế và môi trường: Doanh nghiệp bao bì gặp khó (Bài 1)

(VOH) - Sau gần 2 tháng áp dụng việc đánh thuế bảo vệ môi trường lên túi nylon, nhiều doanh nghiệp sản xuất bao bì đã liên tục kêu khó.
Giá nhiều mặt hàng bao bì nhựa tăng cao do phải đóng thuế bảo vệ môi trường. Ảnh chụp tại chợ Bình Tây, TP.HCM. Ảnh: phapluattp

Theo nghị định số 67/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Bảo vệ môi trường đã ghi rõ, túi nylon thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Song, trên thực tế việc phân biệt này vẫn rất khó khăn, thiếu các tiêu chí rõ ràng dẫn đến tình trạng đẩy giá thành nguyên liệu lên cao và kéo theo giá sản phẩm cũng đội lên.

Ông Phạm Trung Cang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng cho biết, sản phẩm của đơn vị ông là bao bì đựng phân bón 2 lớp bên ngoài là PP và trong là PE dày, đang bị đánh thuế do có nhựa PE, nghịch lý ở chỗ, sản phẩm khi xuất sang các nước Châu Âu thì không bị đánh thuế trong khi bán trong nước thì phải chịu thuế. Do vậy khá nhiều đối tác của công ty cho biết sẽ không mua bao bì trong nước nữa. Họ chuyển sang phương án mua bao bì nhập khẩu thay vì đặt mua từ các doanh nghiệp trong nước như trước đây.

Còn ông Nguyễn Văn Khá - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Tiến Hưng thì cho rằng cái khó khăn nhất hiện nay là tất cả bao nylon đều bị đánh thuế cho dù đó là bao bì thân thiện với môi trường hay bao bì phân hủy sinh học. Và sẽ chỉ được hoàn thuế nếu sau này chứng minh được đó là bao bì tự hủy. Nhưng nếu muốn chứng minh đó là bao bì tự hủy thì cơ quan nào sẽ chứng nhận và chứng nhận trong thời gian bao lâu? Cứ như hiện nay, việc phân biệt giữa túi nylon thân thiện với môi trường và túi nylon gây ô nhiễm khá mù mờ, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp:

Việc đánh thuế đối với các sản phẩm túi nylon nhằm mục đích chuyển đổi sang các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, tránh những tác hại lâu dài. Nhưng lại không có tiêu chí rõ ràng, do đó, không thể khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho những công nghệ xanh như bày tỏ của ông Đỗ Duy Trình - Doanh nghiệp Tư nhân Hàng Lệ Yến:

Từ thực tế nêu trên, ông Hồ Đức Lam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam kiến nghị đến các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi Trường, Bộ Tài Chính cùng với các Sở thuế để có những đối thoại cùng tháo gỡ tìm giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp nhựa hiện nay, ông Lam cho biết:

Luật đã có hiệu lực nhưng các doanh nghiệp sản xuất túi nylon vẫn chưa sẵn sàng cung cấp sản phẩm thay thế cho phù hợp, mặc dù hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất được bao bì sinh học, nylon tự hủy, tuy nhiên vì giá còn cao nên chẳng mấy ai mặn mà. Theo mục tiêu của chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được chính phủ phê duyệt là đến năm 2015, Việt Nam sẽ giảm 40% lượng túi nylon sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010. Những con số này cho thấy sự nỗ lực của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, thế nhưng liệu nó có khả thi khi người tiêu dùng vẫn chưa hình thành được ý thức giảm sử dụng túi hoặc phải trả tiền cho việc sử dụng túi nylon.