Tăng thuế túi nylon - Bài toán kinh tế và môi trường: Sử dụng túi nylon - thói quen khó bỏ (Bài 2)

(VOH) - Cần một ít túi nylon trắng để gói thức ăn, chị Thu Dung ra tiệm tạp hóa gần nhà, đưa tờ 10 ngàn đồng, chị nhận về một nắm túi nilon, chợt thấy lượng túi lần này có vẻ ít hơn lần trước chị Dung hỏi người bán, thì được biết, nghe đâu túi nylon bị đánh thuế nên đợt này đắt lắm, mua vào đắt nên bán ra phải đắt. Nghe giải thích thế chị Thu Dung ra về chỉ nghĩ đơn giản là mọi thứ lên giá chắc túi nylon cũng phải lên giá mà không biết rằng việc đánh thuế túi nylon do Luật thuế bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.
Ảnh minh họa.

Chiều nào đi làm về chị Hồ Thị Thu Hà cũng tạt qua chợ mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Đến hàng cá, chị chỉ con cá to nhất. Sau khi làm sạch vảy, chị bán hàng nhanh chóng bỏ vào 2 lớp túi nylon như một cái máy đã được cài đặt sẵn. Ghé hàng rau mua vài quả ớt, chị bán hàng bò vào 1 túi nylon nhỏ, mấy trái dưa leo 1 túi, cà chua một túi, giá một túi và một miếng me một túi nhỏ, thêm bó rau muống… tất cả đựng trong một bao nylon thật to, chị Hà ra về, mà không cần bận tâm nhiều. Chị Trần Thị Hạnh, người bán hàng ở đây cho biết: Do khách chủ yếu là đi làm về, nhân tiện ghé chợ mua đồ ăn, nên hiếm có ai xách giỏ đi chợ. Nếu mà mình không bỏ vào túi nylon thì họ không mua nữa. Giá túi nylon tăng thì người bán hàng phải chấp nhận thôi, không giảm hơn được, vả lại tăng một vài ngàn cũng chẳng đáng là bao miễn sao giữ được chân khách:

 

Hiện nay rất nhiều siêu thị đang hướng tới việc giảm sử dụng túi nylon bằng cách này hay cách khác nhưng thực tế số lượng túi nylon vẫn không hề giảm, thống kê của hệ thống siêu thị Big C với bảy siêu thị, hệ thống Big C tiêu tốn 20 tấn/tháng, tương đương 3 triệu túi nylon. Có rất nhiều trường hợp khách hàng xin nhân viên siêu thị cho thêm túi nylon, nếu không được thì làm ầm ĩ lên, quản lý phải ra hòa giải. Người bán cũng chỉ muốn vừa lòng khách hàng, "cho thêm" cái túi được coi như một cử chỉ quan tâm. Thói quen hình thành lâu năm không dễ gì bỏ trong vài ngày hay vài tháng.

 

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, đại diện diễn đàn 350.org cho biết trong nhiều năm qua, diễn đàn đã từng thực hiện rất nhiều chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng túi nylon nhưng kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn. Thực tế việc đánh thuế túi nylon đã diễn ra tại nhiều quốc gia và đạt kết quả khả quan. Chẳng hạn tại Ireland, việc áp thuế được thực hiện từ năm 2002, ban đầu là 15 cent rồi tăng dần lên tới 22 cent (gần 7.000 đồng) cho mỗi túi nylon đã làm cho lượng tiêu thụ túi nylon dùng trong năm 2011 giảm tới hơn 90% so với năm 2001 (trước kia, trung bình mỗi người dân dùng 328 túi/năm, tới nay chưa tới 30 túi/năm). Tại Trung Quốc, điều luật cấm sử dụng túi nylon áp dụng năm 2009 giúp tiết kiệm khoảng 1 triệu tấn dầu hỏa. Do vậy, việc Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực là một tín hiệu khả quan nhưng quá đột ngột sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó và người dân bất ngờ trong khi lượng túi nylon sử dụng trong thời gian vừa qua hoàn toàn không có dấu hiệu giảm sút.

 

Đồng ý kiến với chị Minh Hồng, ông Lê Văn Khoa giảng viên trường ĐH Bách Khoa TPHCM nhấn mạnh rằng:

 

Theo các nhà khoa học, các loại túi nylon có thể mất từ 500 đến 1.000 năm mới có thể tự phân hủy. Với khối lượng thải ra môi trường khoảng 80 tấn/ ngày túi nylon thật sự trở thành hiểm họa cho môi trường. Muốn việc sử dụng túi nylon thật sự giảm cần nhiều giải pháp đồng bộ như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện môi trường, giảm giá thành sản phẩm. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân. Nên chăng có những quy định cụ thể hạn chế lượng túi nylon phát ra ở tất cả các siêu thị thì các siêu thị mới mạnh dạn thực hiện.

Buổi ra quân tuyên truyền không sử dụng túi nylon của SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân HN.

Tại siêu thị An Phú, Quận 2 kiên quyết không phát túi nylon nên rất nhiều người dân ở đây đã hình thành được ý thức mang giỏ xách đi từ nhà, bù lại họ cũng bố trí những loại thùng cạc-tông hay túi giấy cho những khách hàng quên không mang túi. Đây cũng là một giải pháp tiến tới hình thành thói quen không sử dụng túi nylon. Tất nhiên đã là luật thì phải thực thi, nhưng thiết nghĩ trong quá trình thực thi cần có sự nhìn nhận đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp.