Thách thức trong đào tạo nhân lực du lịch ở sân chơi AEC

(VOH) - Còn nhớ năm 2010, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam (VN) đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định rõ với 4 nhóm giải pháp để phát triển du lịch: đảm bảo an ninh, an toàn; vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm mới và chất lượng sản phẩm tốt; quảng bá tiếp thị du lịch, đưa tiềm năng du lịch VN đến với khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “4 nhóm giải pháp này có quan hệ hữu cơ với nhau, không thể thiếu được một nhóm giải pháp nào. Trong đó, nhóm giải pháp về nguồn nhân lực hết sức quan trọng, quyết định cho toàn bộ ba nhóm giải pháp còn lại. Chính vì vậy, năm 2011 Bộ VHTTDL có Nghị định 3066 về chất lượng du lịch Việt Nam. Chính vì thế quyết định về chất lượng nguồn nhân lực hết sức quan trọng và nó sẽ thúc đẩy cho du lịch Việt Nam tiến lên”.

Ngành du lịch yêu cầu cao về ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh là kỹ năng không thể thiếu. (Ảnh minh họa: Tapchidulich) 

Nặng lý thuyết yếu thực hành

Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển, là tài sản vô giá của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ và doanh nghiệp. Đối với đặc thù ngành du lịch, nhân lực chất lượng mang tính quyết định đối với sự thành công của ngành. Nhân sự chuẩn quốc tế chính là chìa khóa, là lời giải cho câu chuyện làm sao để giữ chân khách du lịch, làm sao để tỷ lệ quay lại của du khách không chỉ dừng lại ở con số 6% như hiện nay.

Nguồn nhân lực chuẩn quốc tế muốn có được không từ đâu khác ngoài việc thông qua chương trình đào tạo, nhưng thực trạng của công tác đào tạo nhân lực du lịch ở VN hiện nay ra sao. Đem vấn đề này trao đổi thì ông Nguyễn Hữu Thọ cho hay: “Chúng ta đào tạo hoàn toàn là lý thuyết, không có gắn kết với các cơ sở kinh doanh du lịch, vậy nên không có điều kiện để sinh viên du lịch thực tập. Bên cạnh đó, ngôi trường ấy phải gắn với một khách sạn nhất định để đào tạo bởi vì du lịch là phải đào tạo từ thực tiễn. Có thể nói 70 -80% là thực tiễn và sinh viên phải được thực tập ở cơ sở thực tế thì mới trưởng thành”.

Ông Bùi Tiến Đạt, Giám đốc nhân sự, Khách sạn Caravel nêu lên một thực tế: “Ở những trường quốc tế thì thời lượng giữa lý thuyết với thực hành sẽ là 50-50. Ví dụ ở bậc đại học chương trình đào tạo thực tế tương đương là 2 năm. Còn ở Việt Nam sẽ có 2 kỳ đi thực tập, một kỳ thực tập nhận thức 1 tháng và 1 kỳ thực tập khi thi tốt nghiệp 3 tháng. Như vậy, ta có thể so sánh giữa 4 tháng theo hệ đào tạo của Việt Nam và 24 tháng so với hệ đào tạo nước ngoài. Như vậy, chúng ta chỉ chiếm 1/6 về kỹ năng tác nghiệp so với sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch ở nước ngoài hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài”.

Thời gian thực hành đã ít, nhưng chất lượng các cơ sở để nhân viên thực hành cũng không đủ tiêu chuẩn.  “Em được thực hành ở bên ngoài khách sạn thực tế là 2 tháng, còn ở trường thì trước khi thi tụi em được thực hành 2 kỳ để bước vào thi học kỳ. Chỉ có 2 tháng như vậy thì tụi em không thể làm việc được. Những bạn có đủ tiêu chuẩn để đi thực tập ở các khách sạn 4-5 sao thì không nhiều. Đa số các bạn thực tập ở khách sạn 3 sao, thậm chí có bạn phải đi xin vào thực tập ở các khách sạn không có tên, tuổi”, Trần Thị Minh Trang, sinh viên du lịch chia sẻ.

Ngoại ngữ chưa đạt

Với đặc thù của một ngành mà sự giao tiếp giữa con người với con người là yếu tố then chốt, trong đó, yêu cầu cao về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là kỹ năng không thể thiếu. Thực tế, việc đào tạo những kỹ năng này ở nhiều trường hiện nay vẫn chưa đạt chuẩn. “Học ngoại ngữ ở trường em thấy chưa được đầy đủ lắm. tụi em chỉ được học những giao tiếp cơ bản. Em thấy nhiều bạn trong lớp chưa thể dùng tiếng Anh để giao tiếp. Tiếng Anh rất hạn chế nhưng đến lúc thi, đa số các bạn thi chỉ để cho qua thôi chứ không phải thi để mình có thể hiểu được”, Minh Trang cho biết thêm.

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục du lịch, ngành du lịch Việt có khoảng 750 ngàn lao động trực tiếp. Dự kiến đến năm 2020 lên đến 870 ngàn người. Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành kinh doanh khách sạn và cơ sở lưu trú ở VN hiện nay đều chưa đáp ứng được nhu cầu và chuẩn mực quốc tế.

Kỹ năng của nguồn nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu ở những vị trí cao trong những chuỗi giá trị đặc thù của ngành, các khách sạn cao cấp đều vấp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên đã qua đào tạo bài bản, có phong cách làm việc chuyên nghiệp và giàu ngoại ngữ.

Chính vì vậy, hầu hết các sinh viên chuyên ngành du lịch khi được nhận vào làm, doanh nghiệp đều phải mất thời gian và chi phí để đào tạo lại. Với việc thành lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN - AEC, thị trường lao động du lịch VN sẽ rộng mở hơn. Nếu không nâng cao được chất lượng thì lao đông ngành du lịch VN sẽ thất nghiệp trên chính sân nhà vì không thể nào cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

“Du lịch là ngành khoa học nhưng mang tính nghệ thuật. Nó sử dụng con người để giao tiếp với con người. Có người bảo rằng, du lịch là ngồi kết nối trái tim với trái tim nó mới thúc đẩy được ngành này tiến lên. Cũng từ đó mới có sự liên kết. Đây là điều tất yếu vì du lịch là phải liên kết. Có sự liên kết với các trường quốc tế để đào tạo đúng tiêu chuẩn quốc tế, tức là có lý luận, thực tiễn và được thực tập trong những cơ sở quốc tế thì mới có được một nguồn nhân lực đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế”, ông Nguyễn Hữu Thọ nói.

Nhân sự đạt chuẩn quốc tế quyết định đến thương hiệu du lịch VN. Để có được đội ngũ nhân sự đạt chuẩn, rất cần có mô hình đào tạo đặc biệt, ở đó trường gắn liền với khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao. Với giáo trình quốc tế, giảng viên và hệ thống quản lý chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế... Có như vậy, VN mới tự tin đón hàng chục triệu du khách nước ngoài đến và sẽ quay lại trong thời gian sắp tới và ngành du lịch VN cũng sẵn sàng đối đầu với những thách thức, cạnh tranh khi tham gia vào thị trường du lịch thế giới./.