Phiên giao dịch cuối tuần dù có sự hồi phục tích cực của chỉ số, nhưng xu thế giảm vẫn chiếm ưu thế.
VN-Index đã điều chỉnh trong tuần qua nhưng tình hình không quá bi quan. Ảnh: nhadautu
Đầu tuần, phiên giao dịch ngày 25/2, dòng tiền đổ vào thị trường vẫn khá mạnh, diễn biến phân hóa vẫn hiện hữu tại một số nhóm ngành khiến hai sàn giằng co. Mặc dù các Bluechips tăng mạnh trong thời gian qua như VIC, VRE, VHM, BHN, BVH… điều chỉnh nhưng đà tăng vẫn được duy trì khá tốt với sự hỗ trợ của các cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Toàn thị trường ghi nhận 349 mã tăng, 261 mã giảm và 152 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 276 triệu đơn vị, tương ứng 6.048 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/2, chỉ số VN-Index tăng 5,52 điểm (0,56%) lên 994,43 điểm; HNX-Index tăng 0,79 điểm (0,74%) lên 107,61 điểm; Upcom-Index tăng 0,03 điểm (0,06%) lên 55,59 điểm.
Phiên giao dịch ngày 26/2, lực bán tháo đẩy mạnh phiên chiều khiến hai sàn lao dốc, có thời điểm Vn-Index thủng mốc 980 điểm. Tuy vậy, dòng tiền bắt đáy luôn thường trực đã giúp thị trường thu hẹp đáng kể đà giảm về cuối phiên. Cổ phiếu VNM, VHM, VIC, VCB, GAS tác động tiêu cực cho VN-Index. Một số mã đi ngược hiếm hoi như VHG, DIC, CRC tăng kịch trần. Cổ phiếu thép không còn tăng mạnh như phiên sáng nhưng vẫn giữ sắc xanh (HSG, POM, NKG, TLH, VIS). Toàn thị trường ghi nhận 285 mã tăng, 326 mã giảm và 155 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 331 triệu đơn vị, tương ứng 6.559 tỷ đồng. Kết phiên giao dịch ngày 26/2, chỉ số VN-Index giảm 7,37 điểm (0,74%) xuống 987,06 điểm; HNX-Index tăng 0,05 điểm (0,05%) lên 107,66 điểm; Upcom-Index giảm 0,01 điểm (0,01%) còn 55,58 điểm.
Ngày 27/2, thị trường chứng kiến phiên giao dịch với tâm lý chốt lời xuất hiện, tuy nhiên lực cầu đã mau chóng hấp thụ và giúp thị trường giữ vững sắc xanh. Các Bluechips như VHM, VIC, SAB, VNM, BVH, GAS, PNJ…tăng điểm khá tốt và đóng vai trò nâng đỡ thị trường. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng lan tỏa ra nhiều nhóm ngành khác, tiêu biểu là bất động sản, xây dựng giúp nhiều mã tăng điểm như CEO, DIG, CTD, DXG, HBC, DIG, LDG, SJS, VCG, VGC, CII… Thị trường ghi nhận 348 mã tăng, 263 mã giảm và 164 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 337,8 triệu đơn vị, tương ứng 6.442 tỷ đồng. Kết phiên giao dịch ngày 27/2, chỉ số VN-Index tăng 3,21 điểm (0,33%) lên 990,27 điểm; HNX-Index giảm 0,03 điểm (0,03%) xuống 107,63 điểm; Upcom-Index tăng 0,01 điểm (0,02%) lên 55,60 điểm.
Phiên giao dịch buổi ngày 28/2 được xem là "thảm họa" của chỉ số VN-Index khi mất đi gần 25 điểm với thông tin hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết khiến nhiều thị trường thế giới mất điểm. Ở nhóm VN30, mất điểm nhiều nhất là cổ phiếu VHM của Vinhomes, tiếp đến là VNM, VRE... tác động lớn nhất đến đà giảm của chỉ số. Nhóm VN30 chỉ có duy nhất cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang là có sắc xanh tăng giá. Kết phiên giao dịch ngày 28/2, chỉ số VN-Index giảm 24,80 điểm (2,50%) xuống 965,47 điểm; HNX-Index giảm 1,77 điểm (1,64%) xuống 105,86 điểm; Upcom-Index giảm 0,47 điểm (0,85%) còn 55,13 điểm.
Phiên giao dịch cuối tuần 1/3, lực cầu lan tỏa tích cực giúp VN-Index có phiên hồi phục mạnh, có thời điểm vượt mốc 980 điểm. Đà tăng thị trường có sự lan tỏa khá tốt. Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, dệt may… đều bật tăng mạnh. Riêng nhóm dệt may TCM, TNG, GMC tăng kịch trần. Các mã gồm VHM, VIC, VCB, SAB, GAS tác động tích cực nhất đến đà tăng của chỉ số. Toàn thị trường ghi nhận 445 mã tăng, 189 mã giảm và 167 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 214 triệu đơn vị, tương ứng 4.738 tỷ đồng. Kết phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index tăng 14,16 điểm (1,47%) lên 979,63 điểm; HNX-Index tăng 1,40 điểm (1,32%) lên 107,26 điểm; Upcom-Index tăng 0,56 điểm (1,01%) lên 55,68 điểm.
Như vậy, VN-Index đã điều chỉnh trong tuần qua nhưng tình hình không quá bi quan. Giao dịch trên cả hai sàn vẫn khá sôi động khi thanh khoản trung bình tiếp tục tăng so với tuần trước.
Sau các phiên biến động mạnh trong tuần này, thị trường được dự báo có thể sẽ bước vào nhịp dao động giằng co, đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen trong tuần tới.
Theo dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (4-8/3), VN-Index có thể tiếp tục những nhịp giằng co và rung lắc trong biên độ 960 - 1.000 điểm, cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để thị trường xác nhận một xu hướng ngắn hạn mới.
Diễn biến thị trường dự kiến sẽ có sự phân hóa giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể vẫn cần thêm thời gian điều chỉnh tích lũy. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tìm đến các cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đã điều chỉnh về vùng hỗ trợ thuộc các nhóm ngành như dầu khí, thủy sản, điện, chứng khoán, vật liệu xây dựng và bất động sản... để tìm kiếm lợi nhuận.