Mặc dù thanh khoản giảm khá mạnh nhưng trong những phiên gần đây, một số nhóm ngành như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, nhựa... có đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Tuần qua, VN-Index “bốc hơi” hơn 11 điểm. Ảnh Shutterstock
Phiên giao dịch đầu tuần ngày 8/4 khá khởi sắc khi VN-Index tăng hơn 8 điểm, hầu hết các nhóm ngành như bất động sản, ngân hàng, dầu khí giao dịch tích cực, thúc đẩy đà tăng của thị trường. Các cổ phiếu tác động lớn nhất đến đà tăng của VN-Index là GAS, VHM, VCB, VNM... ngược lại, VJC, TCB, VPB giảm giá, kìm hãm đà tăng của chỉ số. Cổ phiếu ngành Bảo hiểm và Chứng khoán giao dịch khởi sắc, hỗ trợ đà tăng của chỉ số. Những mã tăng giá điển hình như SHS, VCI, HCM, VND, SSI. Thị trường ghi nhận 331 mã tăng giá, 299 mã giảm giá và 169 mã đứng giá tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 218 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.330 tỷ đồng. Kết phiên, Vn-Index tăng 8,30 điểm (0,84%) lên 997,56 điểm; Hnx-Index tăng 1,05 điểm (0,98%) lên 108,93 điểm và Upcom-Index giảm 0,17 điểm (0,29%) còn 56,76 điểm.
Ngược lại phiên đầu tuần, phiên giao dịch ngày 9/4, thị trường giao dịch với áp lực bán tháo khiến hai sàn chìm trong sắc đỏ. VN-Index lùi về mốc 990 do VIC, VNM, VHM, GAS tác động bất lợi. Các Bluechips tăng điểm nhẹ chỉ có BVH, VCB, VJC, VPB, PNJ, BID. Nhóm chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm có giao dịch tích cực hơn đôi chút với BVH, BMI, HCM, SSI, VND, VPB… tăng điểm. Nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt là dầu khí cũng bị "mất đà" giảm mạnh. Các cổ phiếu GAS, PVS, PVD, PVB, PVT đóng cửa tại mức giá được xem là gần thấp nhất phiên. Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng chịu áp lực bán mạnh và hầu hết đều giảm sâu. Thị trường ghi nhận 266 mã tăng, 386 mã giảm và 143 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 227 triệu đơn vị, tương ứng 5.200 tỷ đồng. Kết phiên 9/4, VN-Index giảm 9,08 điểm (0,91%) xuống 988,48 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm (1,12%) còn 107,71 điểm; Upcom-Index giảm 0,19 điểm (0,33%) còn 56,58 điểm.
Sang phiên giao dịch ngày 10/4, các chỉ số có sự phục hồi nhẹ nhưng vẫn tiếp tục giằng co. Thị trường ghi nhận sự bứt phá của hàng loạt cổ phiếu nhóm thủy sản như ACL, HVG, CMX, FMC. Tuy nhiên, VIC, VHM và nhóm ngân hàng lao dốc mạnh gây tác động bất lợi đến VN-Index. Các cổ phiếu như SAB, VRE, ROS, GAS, VJC, VHC... tăng nhẹ. Nhóm thủy sản cũng duy trì mức tăng mạnh vào cuối phiên với HVG, ACL, CMX, FMC tăng kịch trần. Đáng chú ý, cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam đã tăng trần 16 phiên liên tiếp. Thị trường ghi nhận 273 mã tăng, 336 mã giảm và 163 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 205 triệu đơn vị, tương ứng 4.179 tỷ đồng. Kết phiên, Vn-Index giảm 6,57 điểm (0,66%) xuống 981,91 điểm; Hnx-Index giảm 0,27 điểm (0,25%) còn 107,43 điểm và Upcom-Index giảm 0,01 điểm (0,02%) còn 56,56 điểm.
Phiên giao dịch ngày 11/4, thị trường diễn ra khá ảm đạm, tuy nhiên, càng về cuối phiên, nhờ lực kéo của một số Bluechips như VHM, VIC, VJC, MSN... thị trường bứt phá mạnh. Nhóm dầu khí GAS, PVS, PVD, PVB, PVC, PXS,… sau những phiên tăng mạnh gần đây đã quay đầu giảm điểm và hầu hết đóng cửa tại mức thấp nhất phiên. Các cổ phiếu chứng khoán cũng không khả quan khi hầu hết đóng cửa quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, dòng tiền đã tìm đến các nhóm cổ phiếu thủy sản như CMX, FMC, HVG, IDI, VHC, ACL, AGF,… nhóm dệt may như TCM, TNG, MSH, STK… và các cổ phiếu này đa phần đều tăng mạnh. Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng xuất hiện khá nhiều mã tăng điểm như DXG, FCN, LCG, QCG, NLG, VCG, VIC, NVL, IDV, PC1… Đóng cửa phiên giao dịch, Vn-Index tăng 4,04 điểm (0,41%) lên 985,95 điểm; Hnx-Index tăng 0,14 điểm (0,13%) lên 107,57 điểm và Upcom-Index giảm 0,08 điểm (0,13%) còn 56,49 điểm.
Cuối tuần, phiên giao dịch ngày 11/4 với lực cầu tích cực hơn nhưng hai sàn vẫn chịu sự điều chỉnh mạnh, thanh khoản kém. Thị trường không đủ sức đưa VN-Index trở lại sắc xanh. Nhóm dầu khí hồi phục nhẹ với GAS, PVS, PVD tăng điểm. Nổi bật, dầu khí hồi phục tích cực hơn khi hầu hết các mã đều tăng điểm. Cổ phiếu thép cũng đảo chiều ghi nhận sắc xanh với POM, HPG, HSG. Trong khi đó, diễn biến phân hóa vẫn bao phủ rõ nét tại nhóm hàng không, điện. Nhóm ngân hàng ghi nhận sắc đỏ chủ đạo, ngoại trừ NVB, KLB, STB. Thị trường ghi nhận 344 mã tăng, 302 mã giảm và 177 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 197 triệu đơn vị, tương ứng 3.808 tỷ đồng. Chốt phiên cuối tuần, Vn-Index giảm 3,05 điểm (0,31%) xuống 982,90 điểm; Hnx-Index tăng 0,13 điểm (0,12%) lên 107,70 điểm và Upcom-Index tăng 0,16 điểm (0,28%) lên 56,64 điểm.
Tuần qua được xem là tuần giao dịch không mấy tích cực cùng thanh khoản thị trường ở mức thấp đã làm cho chỉ số VN-Index “bốc hơi” hơn 11 điểm.
Nhận định xu hướng thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ Giổ Tổ Hùng Vương, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), điểm nổi bật trong tuần lễ giao dịch vừa qua là chỉ số VN-Index dù giảm nhưng ở mức độ vừa phải và chưa đưa ra dấu hiệu cảnh báo về một xu hướng giảm trung hạn. Vấn đề quan tâm nhất hiện tại chính là thanh khoản đã xuống mức rất thấp và vì vậy không đủ động lực để thúc đẩy thị trường đảo chiều xu hướng. Vì vậy, trong ngắn hạn sắp tới thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh nhiều hơn từ nay đến sau kỳ nghỉ lễ lớn, tuy nhiên không quá bi quan.
Còn theo ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường, CTCK BVSC thì, tuần tới, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng 981-991 điểm vào đầu tuần. Sau đó, các chỉ số được kỳ vọng sẽ có diễn biến tăng điểm tích cực hơn về cuối tuần.