Thông quan hàng hoá chậm do vướng các thủ tục, quy định không còn phù hợp?

(VOH) - Thực hiện đề án cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, trong thời gian qua, Cục hải quan TP đã triển khai thông quan tự động bằng thủ tục hải quan điện tử, cũng như phối hợp thực hiện kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm nhiều thủ tục không còn phù hợp để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Song, để thực hiện hải quan 1 cửa thì cần có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành với cơ quan hải quan để hạn chế thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở để cơ quan hải quan có căn cứ giúp thông quan hàng hóa nhanh hơn nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp cũng như tiến tới sự minh bạch, công khai, hiện đại, chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Long - phó trưởng phòng giám sát quản lý, Cục Hải quan TP cho biết thêm về vấn đề này qua nội dung trao đổi với phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH).

Nghe nội dung: 

* VOH: Trước tiên xin ông cho biết kết quả của việc triển khai thực hiện thông quan tự động, hải quan điện tử trong thời gian qua là như thế nào và những thủ tục nào đã được cắt giảm để giảm phiền hà cho doanh nghiệp? 

Ông Nguyễn Thanh Long: Trong thời gian qua Cục Hải quan TPHCM đã triển khai thủ tục hải quan điện tử, triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS. Từ ngày 01/01/2016, ngành Hải quan triển khai thủ tục hải quan điện tử theo Luật Hải quan năm 2014. Theo đó, ngành hải quan đã đề xuất sửa đổi, cắt giảm 31 thủ tục và bãi bỏ 07 thủ tục không cần thiết nhằm tạo thuận lợi và nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý hải quan.

Cán bộ chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 tư vấn cho doanh nghiệp khai báo trên hệ thống thông quan điện tử tự động. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

* VOH: Trong nhiều cuộc đối thoại và gặp gỡ với lãnh đạo hải quan, nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong trong thực hiện quy trình thông quan hàng hóa, vậy ách tắc là do đâu?  Biện pháp nào để tháo gỡ?

Ông Nguyễn Thanh Long: Hiện nay, khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử thời gian thông quan phụ thuộc rất nhiều yếu tố liên quan đến doanh nghiệp, cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý liên quan (Bộ ngành, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng, đại lý hải quan, người vận chuyển…). Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với một tờ khai/lô hàng tại cơ quan hải quan rất nhanh (chiếm khoảng 28% thời gian thông quan và không quá 1 ngày làm việc).

Cụ thể: tiếp nhận, đăng ký tờ khai hoàn toàn tự động khoảng 3 giây, kiểm tra hồ sơ khoảng 20-30 phút, kiểm tra thực tế hàng hóa khoảng 1-2 giờ. Thời gian còn lại thuộc về phía doanh nghiệp và các cơ quan liên quan.

Các doanh nghiệp thường kêu ca khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực hải quan nhưng thực ra những khó khăn, vướng mắc đó phần lớn thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý của các Bộ ngành.

Ví dụ: giấy phép, kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế), kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm…. Khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phải tiếp nhận, kiểm tra rất nhiều văn bản quy định của các bộ ngành trong bộ hồ sơ hải quan theo quy định của các bộ ngành về chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hiện tại, có khoảng 256 văn bản quy định về quản lý chuyên ngành, trong đó có 20 Luật và pháp lệnh mà cơ quan hải quan phải xử lý trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp và đã ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thông quan hàng hóa.

Để giảm bớt những khó khăn của doanh nghiệp thì theo tôi các Bộ, ngành cần phải ngồi lại với nhau để  rà soát lại, xem lại những văn bản, quy định của mình có phù hợp với tình hình thực tế hay không? Nếu khó thì cần phải sửa đổi bổ sung nhằm tạo cơ quan hải quan thông quan nhanh hàng hóa.

* VOH: Công tác phối hợp để thực hiện kiểm tra chuyên ngành tập trung vừa được hải quan TP tổ chức đã phát huy hiệu quả như thế nào trong công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như từng bước hiện đại hóa ngành hải quan thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi cũng đã thực hiện Đề án Phối hợp kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo Quyết định 2026/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hải quan TPHCM đã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh cảng để triển khai thành lập hai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 3 chi cục: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục Hải quan sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh. Hiện nay có  8 cơ quan kiểm tra chuyên ngành tham gia để phối hợp kiểm tra và thông quan nhanh hàng hóa tại cửa khẩu.

Chúng tôi nhận thấy rằng khi tham gia như vậy thì các doanh nghiệp gặp thuận lợi khi thông quan hàng tránh trường hợp như trước đây là phải lấy mẫu mang về các địa điểm ở các cơ quan chuyên ngành kiểm tra và trả kết quả, như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian.

* VOH: Đến thời điểm này thì Hải quan TP đã có sự chuẩn bị như thế nào cho việc thực hiện cơ chế hải quan một cửa?

Ông Nguyễn Thanh Long: Cục Hải quan TPHCM cũng đã phối hợp thực hiện cơ chế một cửa quốc gia theo kế hoạch triển khai của Tổng cục Hải quan, đó là cổng thông tin cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Khi doanh nghiệp gửi những thông tin đó đến cổng thông tin điện tử thì cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

Hệ thống này khác với hải quan điện tử hiện nay đó là bao gồm nhiều bộ ngành, doanh nghiệp có thể tương tác với cơ quan hải quan, đồng thời cơ quan hải quan có thể sử dụng những quyết định, giấy phép của các cơ quan chuyên ngành để thông quan.

* VOH: Cám ơn ông.