Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước

(VOH) - Doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò quan trọng và nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước được coi là một trong ba mũi giáp công của đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta….
Hiện đã có 83/91 Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 doanh nghiệp đã được phê duyệt Đề án. Ảnh minh họa: Petrotime

Theo Bộ Tài chính, đến nay cả nước đã thực hiện sắp xếp được hơn 6.300 doanh nghiệp. Hiện đã có 83/91 Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 doanh nghiệp đã được phê duyệt Đề án. Sau khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, các doanh nghiệp đã triển khai phương án sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành, đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2013, có thể thấy tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn đang ở những bước sơ khai. Để có được bước tiến nhanh và hiệu quả hơn trong năm 2014, thì đề án này cần có những cú hích, những điểm tựa để tăng tốc. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đánh giá: “Với các Doanh nghiệp Nhà nước thì thực sự đáng buồn là quá trình tái cơ cấu diễn ra khá chậm chạp. Cho đến nay, những cái công bố được cũng chỉ là các đề án tái cơ cấu của hầu hết các tập đoàn, Tổng công ty hoặc là các đề án của các địa phương, các bộ đã được Chính phủ phê duyệt nhưng mà thực hiện cụ thể thì vẫn còn chậm. Nếu như không có những sức ép thật mạnh từ Nhà nước cũng như là từ yêu cầu phát triển của nền kinh tế để cho họ tái cơ cấu thì rất khó có thể được như chúng ta mong muốn”.


Một trong những nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu thoái vốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước tập trung vào việc chính yếu. Công tác quản trị kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty do nguồn lực cũng có hạn, cho nên không quá phân tán, ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư. Thời điểm Thủ tướng yêu cầu các Doanh nghiệp Nhà nước phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước ngày 31/12/2015 đang đến gần và yêu cầu đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các Doanh nghiệp Nhà nước cũng đang trở nên bức thiết. Do đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tái cơ cấu cần đem lại những kết quả cụ thể chứ không chỉ là những bản báo cáo, hay những đề án ít mang tính hành động, triển khai, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: "Mục tiêu của tái cơ cấu chính là làm sao để ông nào đúng chức năng của ông ấy. Tức là bắt đầu định vị chức năng của Nhà nước về nguyên lý là gắn với những hạng mục rất đặc biệt, hoặc là giúp cho nền kinh tế, phục vụ sự phát triển, chứ không phải đi tranh giành với khu vực tư nhân, giành mục tiêu lợi nhuận. Đấy, chức năng phải nói như thế".


Tại Việt Nam, số lượng Doanh nghiệp Nhà nước đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, khoảng 28% GDP, trong khi ở những quốc gia tiên tiến, tỷ trọng này rất nhỏ dưới 10%. Tuy nhiên trong thời gian gần đây tiến trình cổ phần hóa lại diễn ra chậm chạp. Để tăng tốc độ cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước cần tăng tốc việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty. Vấn đề đặt ra ở đây là phải bảo toàn tốt nhất nguồn vốn ngân sách. Đây cũng chính là nút thắt khiến nhiều doanh nghiệp đã “lỡ” đầu tư ngoài ngành khó thoái vốn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì doanh nghiệp cần thực hiện đúng theo quy trình, khẩn trương thoái vốn vì càng để lâu càng nguy hiểm. Đây là sức ép nhưng mang tính tích cực giúp tình hình tài chính doanh nghiệp lành mạnh hơn. Do đó, cần đưa ra quy định mở đối với vấn đề bảo toàn vốn Nhà nước để tiến trình cổ phần hóa được thực hiện nhanh hơn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: 
"Về thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, bán vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữa thì vẫn thực hiện theo nguyên tắc thịt trường và có lộ trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những vướng mắc. Hiện nay, dự thảo về Nghị quyết thoái vốn đang lấy ý kiến của các Bộ ngành, trong đó có điểm rất quan trọng mà nhiều Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm là dự kiến các dự án, các khoản đầu tư lỗ không có khả năng phục hồi được thì cho phép bán nhanh và bán dưới giá trị để thu hồi vốn, đây là điểm mà rất nhiều nơi đề nghị".


Năm 2014, theo đánh giá chung, nước ta đang chuyển sang những chủ trương về các yếu tố dài hạn hơn như điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng, bố trí lại cơ cấu nền kinh tế, sắp xếp một cách đồng bộ hơn các hệ thống phân bổ vốn, hệ thống Doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng… Hy vọng rằng, tất cả những yếu tố dài hạn này sẽ được thực hiện cùng một lúc và thực hiện tích cực hơn, đồng thời đi vào thiết kế cụ thể hơn. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng đã có dấu hiệu khởi sắc. Như vậy, sẽ không còn lý do gì để trì hoãn việc tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước.