Tìm hướng phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam

(VOH) - Bên cạnh những thành tựu to lớn, ngành cà phê VN đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát triển bền vững.

Nằm trong chương trình lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột lần thứ 5-năm 2015, sáng 11/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đắk Lắ đã phối hợp tổ chức hội nghị phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam dưới sự tham dự của các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu ngành cà phê trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu khai mạc hội thảo. (ảnh CAND)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: Cà phê là đặc sản của vùng Tây Nguyên và cũng là đặc sản của Việt Nam. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của ngành cà phê. Tuy còn gặp không ít khó khăn nhưng ngành cà phê đã có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta.

Từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng năm đều đạt trên 3 tỷ đôla Mỹ. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu của trên 500.000 hộ nông dân với 1,6 triệu lao động, chủ yếu là đồng bào các dân tộc anh em, góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội địa phương vùng Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Về những thách thức và hướng phát triển bền vững ngành cà phê nước nhà, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Bên cạnh những thành tựu to lớn, ngành cà phê VN đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát triển bền vững, đòi hỏi tái canh hiệu quả, đồng thời làm cho mặt trồng trọt phát triển bền vững hơn. Cần chú ý đến chế biến và xây dựng thương hiệu để cho sự phát triển tương xứng của cây cà phê trên thị trường quốc tế”.

Tại Tây Nguyên, thủ phủ cà phê, mặt hàng chủ lực góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn. Hơn 20%  (với hơn 100 ngàn hécta diện tích) cà phê hiện trên 20 năm tuổi cần thay thế và khoảng 10%  với 40 ngàn hécta cà phê dưới 20 tuổi nhưng đã có biểu hiện già cỗi cho năng suất và chất lượng thấp.

Phát triển cây cà phê bền vững, không chỉ đòi hỏi duy trì sản lượng và nâng cao chất lượng, mà điều quan trọng là phải tăng cường đầu tư chiều sâu để xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam. Là địa phương có diện tích và sản lượng cà phê lớn của khu vực Tây Nguyên, ông Đinh Văn Khiết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk bày tỏ mong muốn: “Có thể nói chúng ta tự hào cây cà phê du nhập trở thành cây bản địa có diện tích tăng mạnh. Làm thế nào để cây cà phê vừa phát triển bền vững và có công nghệ chế biến tốt để giới thiệu với thế giới về chất lượng cây cà phê nhiều hơn, góp phần nâng cao giá trị cà phê đến với người có nhu cầu. Mong muốn những vấn đề trăn trở sẽ tìm ra thêm nhiều giải pháp để phát triển cây cà phê ngày càng bền vững hơn”.

Với mong muốn góp phần xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, nâng cao thu nhập của người nông dân; trong khuôn khổ hội nghị, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các nội dung quan trọng liên quan đến việc tập trung phát triển các giải pháp khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình tái canh cà phê theo hướng hữu cơ, sinh học cho chuỗi giá trị cà phê bền vững.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho biết ý nghĩa việc ký kết nâng cao chuỗi giá trị này: “Điều cơ bản đặc biệt lần này nếu tổ chức được chuỗi giá trị thì đảm bảo khâu tái canh, hiệu quả kinh tế, tiết kiệm về mặt môi trường và giá thành giảm, đồng thời tiêu thụ tốt hơn thì hoàn toàn có biên lợi nhuận lớn hơn,  chắc chắc rằng liên kết này sẽ tăng về qui mô và hiệu quả”.

Có thể nói, sự hợp tác của quan nghiên cứu đầu ngành về cây cà phê với doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp qua tầm nhìn chiến lược “chuỗi giá trị” hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân trồng cà phê trong thời gian sắp tới ở khu vực Tây Nguyên.