Tín hiệu lạc quan từ xuất khẩu nông sản

(VOH) - Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2016, diễn biến về chính trị và kinh tế thế giới sẽ còn nhiều phức tạp, khó lường. Sản xuất nông sản thế giới tiếp tục có xu hướng tăng nhưng với mức tăng trưởng chậm.

Dừa sáp Việt Nam được giới thiệu tại Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2015 (Ảnh: Lan Hương)

Khó khăn đi cùng những tín hiệu lạc quan

Việc tham gia TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam và lẽ đương nhiên nông nghiệp sẽ là ngành chịu tác động không nhỏ.

Đó là vì các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến với yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp đứng trước những khó khăn.

TS Phạm Văn Đại, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội phân tích: “Khi chúng ta gia nhập TPP thì những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của chúng ta hiện tại đã có mức thuế suất tương đối thấp thì lợi ích mang lại của TPP đối với nhóm ngành xuất khẩu chủ lực ví dụ như cà phê, hạt điều, cao su sẽ không lớn như kỳ vọng. Trong khi gia nhập TPP chúng ta phải mở cửa thị trường đối với những nhóm ngành mà chúng ta không có nhiều lợi thế cạnh tranh so sánh với các cường quốc nông nghiệp trong TPP như Mỹ, Úc và New Zealand”.

Từ xuất khẩu gạo...

Tuy phải đối mặt với những khó khăn như vậy nhưng kết thúc 2 tháng đầu năm 2016, tình hình xuất khẩu nông sản đã phản ánh được những tín hiệu lạc quan bước đầu cho ngành nông nghiệp.

Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm nay đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu sau 2 tháng đạt trên 1 triệu tấn và kim ngạch là 445 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần về khối lượng và 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Điều đáng mừng là thị trường gạo được dự báo sẽ còn sáng sủa, khi mà một số nước mới đây có những điều chỉnh riêng trong chính sách nhập khẩu gạo. Đơn cử Hàn Quốc cũng vừa ban hành cơ chế mới liên quan đến ngành hàng gạo; trong đó có một số thay đổi có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, theo cơ chế mới, sẽ không phân biệt việc nhập khẩu gạo dùng làm lương thực hay nhập khẩu gạo dùng làm chế biến thực phẩm. Và thay đổi thứ hai trong cơ chế là Hàn Quốc sẽ nhập khẩu gạo không phân biệt nhập khẩu từ nước nào.

“Trước đây khi đấu thầu thì một nửa lượng gạo Hàn Quốc được cam kết dành riêng cho 4 nước là Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan và Úc. Nhưng theo cơ chế mới này thì Hàn Quốc tuyên bố đấu thầu chung và đấu thầu công khai, toàn bộ các nước đều có cơ hội cạnh tranh như nhau” – ông Trung cho biết.

Đến Cà phê, điều

Xuất khẩu cà phê cũng đã tăng trưởng trở lại sau thời gian dài sụt giảm. Xuất khẩu cà phê trong tháng 2 đạt 125 ngàn tấn với kim ngạch là 210 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2016 đạt 295 ngàn tấn và 505 triệu USD, tăng 26,7% về khối lượng và 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Đức và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với thị phần lần lượt là 18,6% và 13%.

Bên cạnh đó ngành hàng hạt điều cũng có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2016 cả nước xuất khẩu được 37.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch đạt 278 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và 11% về trị giá so với cùng kỳ 2015.

Nhận định về thị trường điều nhân thế giới trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN nhìn nhận: “Nhìn chung nhu cầu tiêu dùng hạt điều của thế giới 2016 dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt tốt ở thị trường Trung Đông, thứ hai là ở Mỹ thị trường cũng được dự báo rất tốt. Ngoài ra chúng ta cũng có một số thị trường khác tương đối ổn định như thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc thì hiện nay giá mặt hàng điều mã W320 các nhà máy đang bán với giá 8,15-8,2 USD/kg, thì giá đó hiện nay được đánh giá rất là tốt”.

Và thủy sản...

Ngoài hạt gạo, cà phê, hạt điều thì gần đây hoạt động nuôi trồng chế biến xuất khẩu thủy sản cũng cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Cụ thể hoạt động khai thác thủy sản hiện nay tương đối hiệu quả do giá xăng dầu giảm thấp, giá sản phẩm có xu hướng tăng nên bà con tích cực bám biển.

Theo đó sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đầu năm là 476.000 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, còn sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 827.000 tấn, tăng 3,1%.

Đáng chú ý, từ năm ngoái đến năm nay dù ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nhưng diện tích và sản lượng tôm nước lợ 2 tháng đầu năm 2016 ở các tỉnh ĐBSCL không bị sụt giảm. Chẳng hạn với tôm sú, tổng diện tích nuôi đã tăng 0,2% khi đạt hơn 413.000 ha và sản lượng gần 22.400 tấn.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Chúng tôi đã có giải pháp thay đổi khung lịch mùa vụ để thích nghi với biến đổi khí hậu bằng cách thả sớm. Đối với những cơ sở không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật thì tạm dừng thả từ tháng 3 cho đến tháng 6 và sau tháng 6 thời tiết khí hậu ổn định mới bắt đầu thả. Chúng tôi đã xây dựng khung lịch mùa vụ phổ biến cho tất cả các địa phương về lịch mùa vụ này”.

Theo Bộ NN&PTNT, năm nay, ngành nông nghiệp cố gắng phấn đấu tăng trưởng GDP từ 3-3,5%, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 31 tỷ USD. Hy vọng với những tín hiệu lạc quan bước đầu của thị trường sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi nhằm giúp ngành nông nghiệp sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho những tháng còn lại của năm 2016.